Pháp luật

Tin tức

Tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 1.358 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 113 vụ so với cùng kỳ năm trước; trong đó hành vi cất giấu, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật là 1.148 vụ năm trước, tăng 103 vụ so với cùng kỳ năm trước. Các huyện có số vụ vi phạm nhiều, quy mô lớn như: Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pưh, Ia Pa, Krông Pa…
Việc ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trên dù đã được lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt bằng những giải pháp cụ thể nhưng vấn nạn “chảy máu” lâm sản vẫn không “hạ nhiệt”; thậm chí tại một số xã thuộc 3 huyện biên giới, hình thành điểm nóng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Nhiều cánh rừng bị tàn phá. Ảnh: Đ.T
Ông Phan Trung Tường- Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho rằng: Năng lực một số kiểm lâm địa bàn hạn chế, khâu xử lý vi phạm còn nhẹ là nguyên nhân làm hoạt động phá rừng gia tăng. Theo quy định của UBND tỉnh, địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, cháy rừng thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, ban quản lý rừng-đơn vị trực tiếp quản lý bảo vệ, phát triển rừng trực thuộc sự quản lý cơ quan cấp tỉnh lại không phải chịu trách nhiệm gì. Thời gian qua, chưa có ban quản lý rừng nào bị xử lý trách nhiệm vì để xảy ra mất rừng, cháy rừng. Có lẽ vì vậy mà không ít ban quản lý rừng cả năm không phát hiện được vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép nào.
Xử lý các đối tượng trực tiếp vi phạm chưa tận gốc cũng là một nguyên nhân khiến công tác giữ rừng không mang lại hiệu quả. Trong số 1.300 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng từ đầu năm đến nay chỉ có 11 vụ đưa ra xử lý hình sự, còn lại chỉ bị xử lý hành chính, đặc biệt các đối tượng bị xử lý hành chính chỉ là những người làm thuê. Lãnh đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr (huyện Chư Prông) cho rằng cơ chế xử lý hiện nay chưa nghiêm, nói cách khác là chưa truy tận gốc.
Cùng với những tồn tại trên, theo đánh giá của UBND tỉnh, vẫn còn một số cán bộ kiểm lâm địa bàn hạn chế về kinh nghiệm, khả năng tham mưu cho chính quyền địa phương; không đủ sức kiểm soát địa bàn được giao quản lý một cách thường xuyên và chặt chẽ. Chính quyền cấp xã nhiều nơi chưa thật sự nhiệt tình, tâm huyết thực hiện chức trách của mình, đôi khi còn ngại va chạm, xem việc giữ rừng là trách nhiệm riêng của kiểm lâm.
Để hạn chế tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phải giám sát việc khai thác gỗ theo chỉ tiêu, các địa phương tăng cường kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, nhất là địa bàn giáp ranh… Những giải pháp được đưa ra là khá hay, tuy nhiên nó có được ngành chức năng và địa phương triển khai triệt để hay không lại là chuyện khác.      
Quang Văn

Có thể bạn quan tâm