(GLO)- Ngày 26-3-2013, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc và Tây Nguyên đã tổ chức họp báo giới thiệu nội dung và mục đích của "Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Bắc và Tây Nguyên năm 2013".
Theo đó, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 được tổ chức tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai vào ngày 12-4, nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên. Đồng thời đây còn là diễn đàn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn các nguồn vốn cho phát triển cả vùng trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo, ông Trần Việt Hùng - Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên thông báo về hoạt động đầu tư tại Tây Nguyên sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2001-2010".
Báo cáo tại buổi họp báo đã nêu: Trong những năm qua kinh tế của khu vực này đã có những chuyển biến quan trọng. Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người từ mức 2,9 triệu đồng (năm 2001) đã tăng lên 15,5 triệu đồng (năm 2010). Và đến năm 2012 thu nhập bình quân đầu người của khu vực Tây Nguyên đã đạt 26,9 triệu đồng.
Tại cuộc họp báo, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2012 huy động vốn trên địa bàn Tây Nguyên đạt trên 63.344 tỷ đồng, tăng 37,31% so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, mức huy động vốn này mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu dư nợ cho vay trên địa bàn. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tính đến cuối năm 2012 đạt 104.483 tỷ đồng, tăng 13,46%. Trong đó, cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 50,77% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và có mức tăng trưởng 27,8%. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của khu vực Tây Nguyên vẫn còn khiêm tốn.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay, khu vực các tỉnh Tây Nguyên vẫn rất chậm về phát triển kinh tế - xã hội so với cả nước, đặt biệt là thu hút FDI còn rất hạn chế (169 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 900 triệu USD), chưa xứng với tiềm năng của Vùng. Chính vì vậy, Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 là cơ hội quý báu để các nhà đầu tư đề xuất, kiến nghị về chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội, trao đổi hợp tác thành công.
Khánh Ly