(GLO)- Chiều 18-11, Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức tọa đàm kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (ngày 20-11-1982 - 20-11-2015) và trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những thầy-cô giáo đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cùng đại diện các Sở, ngành, các thầy-cô giáo đã nghỉ hưu...
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Nguyễn |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Giáo dục-Đào tạo, truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh nghề dạy học và ghi nhớ công lao của các thầy-cô giáo-những người đã cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục.
Kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Những năm qua đã có biết bao tấm gương của các tập thể, cá nhân, các thế hệ thầy trò ngành Giáo dục Gia Lai hy sinh thầm lặng ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các buôn làng xa xôi của tỉnh. Đặc biệt là các cán bộ giáo dục, giáo viên chi viện, giáo viên đi B đã dành trọn tuổi xuân cầm súng, cầm bút đứng trong đội ngũ toàn dân kháng chiến với trọn vẹn tâm-lực cho việc rèn chữ, dạy người, đào tạo thế hệ trẻ.
Đến nay, tỉnh Gia Lai đã có một hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ các ngành học, bậc học, cấp học. Số trường học mầm non và phổ thông trong toàn tỉnh hiện có 821 trường, 17 trung tâm giáo dục thường xuyên, 217 trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh có 25.284 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó có 9 tiến sĩ, 5 nghiên cứu sinh và 402 thạc sĩ. Số lượng học sinh đến thời điểm hiện tại là 375.350 học sinh, trong đó có 167.822 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm tỷlệ 45%.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đánh giá cao những nỗ lực của ngành Giáo dục-Đào tạo trong thời gian qua. Cụ thể, tỷ lệ học sinh lên lớp, đậu tốt nghiệp đại học, cao đẳng và tỷ lệ học sinh giỏi các cấp tăng qua các năm học; đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao; cơ sở vật chất trường lớp được Nhà nước, UBND tỉnh quan tâm đầu tư; sự nghiệp giáo dục và đào tạo được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hơn.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cũng yêu cầu ngành Giáo dục tỉnh nhà tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nói riêng.
Những thầy-cô giáo nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trước mắt, cần tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ năm 2016; đẩy nhanh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015; tập trung chỉ đạo đổi mới chính sách quản lý chất lượng giáo dục; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ thầy-cô giáo; đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống; hướng nghiệp và giáo dục pháp luật cho học sinh.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 cá nhân là những thầy-cô giáo đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Minh Nguyễn