Pháp luật

Tin tức

Tòa án nhân dân huyện Ia Pa chú trọng công tác hòa giải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tòa án nhân dân huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng công tác hòa giải các vụ việc dân sự, góp phần giải quyết triệt để mâu thuẫn, tranh chấp của người dân và giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.

Ông Lê Viết Thịnh-Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ia Pa-cho biết: Hòa giải là thủ tục trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tại buổi hòa giải, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo đó, sau khi triệu tập đầy đủ các bên đương sự, Tòa sẽ tiến hành hòa giải. Tại buổi hòa giải, Tòa án sẽ giải thích, phân tích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, phổ biến nội dung của vụ án. Đồng thời, luôn tôn trọng quyền tự quyết của các bên, đề cao sự tự thỏa thuận, thương lượng trong phạm vi không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Các bên được nêu rõ quan điểm, ý kiến, tâm tư nguyện vọng của mình. Khi đã thỏa thuận được với nhau, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành. Trong trường hợp các bên không thống nhất được với nhau, Tòa án sẽ đưa ra xét xử.

Người dân đến làm việc tại Tòa án nhân dân huyện Ia Pa. Ảnh: R'Ô HOK


Năm 2020, Tòa án nhân dân huyện Ia Pa đã giải quyết 139 vụ, trong đó, hòa giải thành 127 vụ. Riêng trong 9 tháng năm 2021, đơn vị đã thụ lý 257 vụ việc tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong số 114 vụ việc đã được Tòa án giải quyết có 105 vụ việc được hòa giải thành và công nhận thỏa thuận của các đương sự, chiếm 80%.

Đơn cử vụ ly hôn giữa chị N.HT. và anh K.P. (xã Ia Trok). Thời gian chung sống với nhau, chị HT. và anh P. thường xuyên mâu thuẫn, xích mích khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt. Sau đó, chị HT. đã làm đơn ly hôn. Tại phiên hòa giải, các thẩm phán đã kiên trì phân tích cho cả hai bên. Thấy hợp tình, hợp lý, chị HT. tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của mình tại tòa. Hai vợ chồng vui vẻ dắt tay nhau ra về tiếp tục sống chung hòa thuận.

Trên thực tế, một số vụ án hôn nhân và gia đình xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống như: không hợp nhau, hiểu nhầm, ghen tuông hoặc tranh chấp tài sản. Theo đó, đối với những vụ chưa đến mức ly hôn, các thẩm phán kiên trì hòa giải để cho các bên tìm được tiếng nói chung, giúp các cặp vợ chồng hòa thuận lại với nhau. Do đó, bằng kiến thức chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, các thẩm phán không chỉ là trọng tài phân xử mà còn hàn gắn nhiều vụ mâu thuẫn, giải quyết thấu tình đạt lý giúp nhiều cặp vợ chồng nối lại hạnh phúc gia đình. Qua đó, họ chủ động rút đơn khởi kiện.

Theo ông Lê Viết Thịnh, thời gian qua, công tác hòa giải đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, hàng năm, số lượng án ngày càng tăng nhưng số lượng biên chế thẩm phán ít, việc đảm nhận, giải quyết các vụ án gặp nhiều khó khăn, bình quân mỗi thẩm phán đảm nhận tới 140 vụ. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch Covid-19, địa phương đã 2 lần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một số đương sự đi công tác, làm ăn ở xa nên việc triệu tập các bên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác hòa giải, xét xử phần nào bị ảnh hưởng.

Ông Thịnh cho biết: Thời gian tới, Tòa án nhân dân huyện Ia Pa tập trung làm tốt các quy định của Tòa án nhân dân tối cao về công tác hòa giải trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại... Tiếp tục xây dựng đội ngũ thẩm phán, thư ký giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng hòa giải, xét xử để hoạt động tố tụng được hiệu quả hơn, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đại đoàn kết trong quần chúng nhân dân ở địa phương.

 

 R'Ô HOK
 

Có thể bạn quan tâm