Thời sự - Sự kiện

Tòa hình sự quốc tế yêu cầu các thẩm phán ra lệnh bắt Thủ tướng Israel

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Reuters ngày 23/8 đưa tin, công tố viên Karim Khan của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) yêu cầu các thẩm phán khẩn trương ra quyết định về lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.

Ông Netanyahu. Ảnh: nguoiduatin.vn

Trong hồ sơ tòa án công bố, công tố viên Khan kêu gọi các thẩm phán lệnh bắt giữ đối với các quan chức Israel và các thủ lĩnh Hamas, không nên trì hoãn. "Bất kỳ sự chậm trễ vô lý nào trong những thủ tục này đều gây ảnh hưởng bất lợi cho quyền của các nạn nhân", ông Khan cảnh báo.

Ông Khan nhấn mạnh ICC có thẩm quyền đối với những công dân Israel phạm tội ác tàn bạo ở những vùng lãnh thổ của Palestine và yêu cầu các thẩm phán bác bỏ những thách thức pháp lý do hàng chục chính phủ và các bên khác đưa ra.

Các công tố viên của ICC lập luận có căn cứ hợp lý để tin rằng ông Netanyahu và Gallant, cũng như thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, chỉ huy quân sự Mohammed Al-Masri và một thủ lĩnh chính trị khác của Hamas là Ismail Haniyeh, phải chịu trách nhiệm hình sự về cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Cuối tháng 7, ông Haniyeh đã bị ám sát tại Iran. Kể từ đó, ICC đã từ chối bình luận về các báo cáo liên quan cái chết của nhân vật này. Israel tuyên bố đã giết ông Al-Masri, còn được gọi là Mohammed Deif, trong một cuộc không kích khác nhưng Hamas không xác nhận hoặc phủ nhận tin tức đó.

Theo số liệu của Israel, khoảng 1.200 người đã thiệt mạng và khoảng 250 người bị bắt làm con tin trong cuộc tấn công của các tay súng Hamas vào miền nam Israel ngày 7/10/2023.

Kể từ đó đến nay đã có gần 40.000 người Palestine thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza mà đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã bác bỏ các cáo buộc về tội ác chiến tranh và đại diện của cả hai bên đã chỉ trích quyết định xin lệnh bắt giữ của công tố viên Khan.

Không có thời hạn cuối cùng để các thẩm phán ICC quyết định về lệnh bắt giữ nói trên, theo Reuters.

124 quốc gia công nhận thẩm quyền của ICC, khẳng định ủng hộ tòa án, nói rằng tùy thuộc vào xét xử của tòa để quyết định có nên ra lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel và Hamas hay không.

Cả Israel và Mỹ đều không tham gia Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC. Tổng thống Mỹ Joe Biden tố cáo lệnh bắt được đề xuất là “thái quá” và các thành viên Quốc hội Mỹ đã đe dọa sẽ trừng phạt tòa án.

Có thể bạn quan tâm