Chính trị

Tin tức

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước ở Hội nghị doanh nghiệp APEC

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khuôn khổ dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tổ chức ở Bắc Kinh của Trung Quốc, sáng 10-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2014 về "Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách".

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị:

"Tôi rất vui mừng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC năm nay cùng các Quý vị và các bạn. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc và các doanh nghiệp trong việc tổ chức Hội nghị lần này với chủ đề và những nội dung thảo luận rất thiết thực. “Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách” là vấn đề hết sức quan trọng đối với châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, nhằm khơi dậy các tiềm năng, khơi thông các “điểm nghẽn” đối với phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Bước vào thế kỷ 21, kết nối giữa các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước những tiềm năng mới, rất to lớn.

Những thành quả tự do hóa thương mại, đầu tư cũng như giao lưu con người trong 25 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn APEC đã tạo nền tảng vững chắc cho liên kết và kết nối khu vực. Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi chậm như hiện nay, đây là kết quả rất đáng khích lệ.

Khi APEC ra đời, ít ai hình dung được trao đổi thương mại toàn khu vực có thể tăng lên hơn 20.000 tỷ USD như hiện nay, trong đó gần 70% là thương mại nội khu vực, lượng vốn đầu tư vào APEC chiếm hơn 50% đầu tư toàn cầu và hàng năm có tới hàng trăm triệu lượt khách du lịch đến khu vực.

APEC luôn đi đầu với những tầm nhìn dài hạn, mà tiêu biểu là các Mục tiêu Bogor năm 1994, Sáng kiến kết nối chuỗi cung ứng năm 2009, Khuôn khổ kết nối APEC năm 2013...

Chúng ta đang có thêm nhiều cơ hội to lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với quy mô rộng lớn hơn và tiêu chí cao hơn. Thời gian tới, sẽ hình thành Cộng đồng ASEAN, Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các liên kết Đông Bắc Á, Liên minh Thái Bình Dương… Chỉ trong không đầy một thập kỷ, ý tưởng Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) nay đã trở thành mục tiêu chung, với lộ trình triển khai cụ thể.

Tuy nhiên, cùng với những chuyển biến căn bản của nền tảng kinh tế thế giới trong một thế giới toàn cầu hóa và gắn kết hơn, kết nối khu vực đang đứng trước những yêu cầu, thách thức hoàn toàn mới. Kết nối trong thế kỷ 21 là sự kết nối toàn diện, sâu rộng trên cả ba phương diện: thể chế, cơ sở hạ tầng và con người. Kết nối là phải nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong đó con người là chủ thể và trọng tâm.

Trong giai đoạn trước mắt, kết nối cơ sở hạ tầng cần trở thành ưu tiên hàng đầu. Trong khi kinh tế của chúng ta đang ở trong thời kỳ chuyển đổi, phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng lại đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Từ nay đến năm 2020, châu Á cần khoảng 8.000 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Do đó, vấn đề lớn đặt ra đối với chúng ta là phải có quyết tâm chính trị chung cao độ, phải có nguồn lực rất lớn, phải phối hợp hài hòa thì mới có thể sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đặc biệt là phải có cách thức phù hợp trong huy động vốn, cơ chế triển khai minh bạch và vì mục tiêu phát triển…

Tại Đông Nam Á, ASEAN luôn tiên phong khởi xướng ý tưởng và thúc đẩy triển khai tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối, khẳng định vai trò hạt nhân liên kết và kết nối ở châu Á-Thái Bình Dương. Từ năm 1992, ASEAN đã khởi xướng việc hình thành Khu vực thương mại tự do, năm 2003 quyết định tiến tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN và năm 2010 thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối.

ASEAN đóng góp tích cực, đề xuất nhiều sáng kiến để thúc đẩy liên kết và kết nối của APEC. Tiêu biểu là "Các Mục tiêu Bogor" năm 1994, ý tưởng hình thành “Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương", tại Hà Nội năm 2006, sáng kiến "phát triển bền vững và kết nối khu vực" tại Singapore năm 2009, “Khuôn khổ kết nối APEC” và “Kế hoạch dài hạn APEC về phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư” vừa thông qua tại Bali năm ngoái.

Thời gian từ nay đến năm 2020 là giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, năng động của Đông Nam Á. Cộng đồng ASEAN hình thành, tạo nên một thị trường chung, không gian kinh tế thống nhất của cả khu vực. Hầu hết các cam kết tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ trong các thỏa thuận FTA của ASEAN với các đối tác hàng đầu sẽ được hoàn tất. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội lớn với triển vọng hoàn tất đàm phán RCEP, mở rộng và nâng cấp các hiệp định FTA của ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Với vai trò chủ thể của hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, các bạn có vai trò không thể thiếu trong việc triển khai, tranh thủ các cơ hội cũng như xử lý các thách thức đặt ra đối với kết nối khu vực. Tôi đề nghị các bạn tiếp tục cùng triển khai các nỗ lực sau:

Một là, cùng thực hiện Khuôn khổ và Lộ trình kết nối APEC được thông qua tại các Hội nghị Cấp cao ở Bali và Bắc Kinh, đặc biệt huy động vốn đầu tư, thông qua các mô hình quan hệ đối tác công - tư (PPP). Nay là thời điểm chúng ta nên cân nhắc hình thành một cơ chế đối thoại, hợp tác kết nối của các doanh nghiệp APEC để tăng cường phối hợp hành động với các nền kinh tế thành viên.

Hai là, để nâng cao hiệu quả kết nối khu vực, chúng tôi mong đợi các bạn, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực kết nối cho các nền kinh tế thành viên đang phát triển, nhất là trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai-thách thức lớn nhất trong Thế kỷ 21.

Ba là, hỗ trợ các thành viên ASEAN trong triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối, trong đó chú trọng các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, các dự án tiểu vùng, nhất là ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong…

Đối với Việt Nam, chúng tôi coi kết nối khu vực là một nội hàm then chốt của công cuộc đổi mới sâu rộng và hội nhập quốc tế toàn diện, và triển khai kết nối gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu kinh tế. Chúng tôi mong các bạn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ chúng tôi trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực.

Các ưu tiên hiện nay của chúng tôi là xây dựng các tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Bắc-Nam, cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu, điểm du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu...

Việc các bạn tiếp tục đồng hành sẽ giúp Việt Nam đóng góp hiệu quả hơn vào kết nối APEC cũng như để hoàn thành trọng trách Chủ nhà Năm APEC 2017.

Tôi đánh giá cao những ý kiến rất sâu sắc mà các Quý vị và các bạn chia sẻ. Đó là những cơ sở quan trọng để chúng ta cùng nhau tăng cường kết nối khu vực trong thời gian tới.

Châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển mình nhanh chóng hơn bao giờ hết, tạo nên những tiềm năng hoàn toàn mới cho kết nối khu vực. Nếu tự do hóa mở ra những cơ hội, thì chính kết nối là nhân tố giúp chúng ta tiếp cận các cơ hội, giảm chi phí, tăng năng lực tận dụng cơ hội.

Các bạn đang đứng trước những tiềm năng kinh doanh và đầu tư hoàn toàn mới ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng. Đất nước chúng tôi là thành viên tích cực của APEC và Cộng đồng ASEAN. Việt Nam là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất.

Với việc triển khai và hoàn tất 15 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới kết nối rộng lớn với 56 nền kinh tế, trong đó có 18 thành viên APEC và hầu hết các trung tâm kinh tế thế giới.

Chúc tất cả các Quý vị và các bạn sức khỏe và thành công.

Có thể bạn quan tâm