Tin tức

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 20-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ đã tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN-Nga tại Sochi, Liên bang Nga.

Tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng; khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nga ngày càng thực chất và hiệu quả.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Trân trọng giới thiệu toàn văn bải phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thưa Ngài Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin,
Thưa các Quý vị Lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN


Thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với sáng kiến của Ngài Tổng thống Vladimir Putin về việc tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Nga, thể hiện sự quan tâm và mong muốn của Liên bang Nga và cá nhân Ngài Tổng thống đối với mối quan hệ giữa Liên bang Nga với ASEAN nói chung và các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, hợp tác ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Chúng tôi chân thành cám ơn sự mến khách nồng nhiệt của nước chủ nhà Liên bang Nga, đất nước hết sức gần gũi với nhân dân Việt Nam và là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.

Tôi cũng rất ấn tượng về thành phố Sochi tươi đẹp - là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ, nhà văn Nga nổi tiếng như Alexander Pushkin và Lev Tolstoy.

Chúng tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với tư cách là Chủ tịch ASEAN và nước điều phối quan hệ ASEAN-Nga.

Trong 20 năm qua, kể từ khi ASEAN và nước Nga thiết lập Đối tác Đối thoại vào năm 1996, quan hệ chúng ta đã có những bước phát triển quan trọng.

Hai bên đã nâng quan hệ lên tầm Đối tác toàn diện và tiến bộ vào năm 2005, thường xuyên trao đổi ở các cấp, nhất là ở cấp cao giữa ASEAN nói chung và các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng với Nga, và phối hợp ngày càng rộng rãi, hiệu quả trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.

Hiện nay, nước Nga là thành viên của những cơ chế hợp tác quan trọng nhất của ASEAN với các đối tác bên ngoài. Sự hợp tác hai bên cũng không ngừng gia tăng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong hơn 10 năm qua, thương mại hai bên tăng hơn 5 lần, từ khoảng 4 tỷ USD năm 2003 lên trên 20 tỷ USD năm 2015, lượng khách du lịch Nga đến ASEAN tăng gần 20 lần từ 140.000 người năm 2005 lên khoảng 2,5 triệu năm 2015, số khách từ ASEAN sang Nga cũng tăng đáng kể, nhất là trong những năm gần đây.

Việt Nam đánh giá cao những đóng góp tích cực của Nga qua sự ủng hộ đối với những mục tiêu căn bản, các tiến trình của ASEAN như việc ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), ủng hộ Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), đề xuất và tham gia nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế và chia sẻ với ASEAN các thành tựu của Nga về khoa học, công nghệ, năng lượng và phát triển nguồn nhân lực.

Thưa các Quý vị,

Chúng ta cùng nhau trao đổi về phương hướng hợp tác trong bối cảnh quốc tế tiếp tục có nhiều điều kiện thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đối với những lợi ích an ninh và phát triển của cả ASEAN và Nga.

Ngày nay, hòa bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chính trên thế giới, các quốc gia đạt những kết quả ban đầu trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, các tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cùng với liên kết kinh tế, hội nhập sâu rộng tiếp tục là những động lực cho phát triển.

Tuy nhiên tình trạng bất ổn, tranh chấp, khủng bố, chiến tranh vẫn diễn ra ở nhiều nơi, kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và cộng đồng quốc tế phải đối mặt với những diễn biến gay gắt của an ninh lương thực, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh, thiên tai và sự gia tăng của những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là nạn khủng bố.

Điều đó đòi hỏi chúng ta tăng cường sự hợp tác hiệu quả cả về đa phương và song phương vì lợi ích chung.

Tuyên bố Sochi Kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga và Chương trình Hành động Toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020 và các văn kiện quan trọng khác được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần này sẽ là khuôn khổ và là cơ sở hết sức quan trọng để thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nga ngày càng thực chất và hiệu quả.

Theo đó, tôi đề nghị chúng ta cùng quan tâm đến một số vấn đề ưu tiên sau:

Một là, tăng cường hợp tác chính trị-an ninh, nhất là trong các lĩnh vực an ninh biển, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên cần đẩy mạnh đối thoại ở các cấp, kể cả cấp cao, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế an ninh khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, xây dựng các cơ chế hợp tác và cùng triển khai các biện pháp hiệu quả phù hợp. ASEAN đề nghị trông đợi Nga ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Hai là, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư, năng lượng, du lịch. Trong đó có việc đàm phán hiệp định Thương mại tự do (FTA) Nga-ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp.

ASEAN mong muốn Nga tích cực hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như các chương trình phát triển tiểu vùng Mekong và quản lý sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước. Việt Nam đề xuất một biện pháp cụ thể là Nga xem xét việc cùng các nước ASEAN tổ chức định kỳ, có thể là hàng năm, triển lãm kinh tế-thương mại Nga-ASEAN tại nước Nga.

Ba là, thúc đẩy hợp tác văn hóa-xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học-công nghệ, giao lưu văn hóa và nhân dân, trao đổi sinh viên và thanh niên; tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, thực hiện Chương trình nghị sự Liên hợp quốc về Phát triển bền vững đến SDG 2030 và Thỏa thuận của Hội nghị COP-21 về Biến đổi khí hậu.

Việt Nam đề xuất một biện pháp cụ thể là Nga xem xét việc cùng các nước ASEAN tổ chức định kỳ, có thể là hàng năm triển lãm kinh tế-thương mại Nga-ASEAN tại nước Nga.

Thưa các Quý vị,

Biển Đông là nơi có tuyến hàng hải, hàng không quốc tế quan trọng lưu chuyển trên một nửa vận tải biển toàn cầu, giá trị 5.000 tỷ USD, có nhiều đường hàng không quốc tế quan trọng và là không gian quan trọng cho sự giao thoa kinh tế giữa nhiều khu vực của châu Á-Thái Bình Dương và giữa châu Á và châu Âu. Nơi đây cũng từng trải qua nhiều bất ổn, chiến tranh kéo dài trong suốt nửa sau của thế kỷ XX.

Trong thời gian qua, nổi lên những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982) và đặc biệt gần đây là sự lo ngại sâu sắc về những hành động đơn phương xây dựng trên quy mô lớn để biến các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo, lắp đặt các thiết bị quân sự hoặc lưỡng dụng tại các cấu trúc này và tại một số cấu trúc ở Hoàng Sa và tìm cách áp đặt sự kiểm soát đối với các đòi hỏi chủ quyền vô lý.

Các nước ASEAN và Việt Nam xác định hòa bình, an ninh ở Biển Đông có ý nghĩa thiết yếu đối với hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu, do vậy cần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; không quân sự hóa; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; tuân thủ đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) ký năm 2002, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại các hội nghị quan trọng như Cấp cao và cấp Bộ trưởng, các nước ASEAN đã có các tuyên bố bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, cho rằng các hành động đơn phương sẽ trên làm thay đổi cơ bản nguyên trạng tình hình ở Biển Đông, trái với DOC cũng như luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòi lòng tin, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Việt Nam chia sẻ quan điểm là các quốc gia trực tiếp liên quan có trách nhiệm giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, thương lượng và các biện pháp hòa bình khác, cộng đồng quốc tế có lợi ích và trách nhiệm trong việc ủng hộ và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và tạo những điều kiện, môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các khác biệt và tranh chấp ở Biển Đông.

Tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách là các quốc gia liên quan kiềm chế, ngưng các hành động đơn phương như trên, không quân sự hóa, thúc đẩy các cuộc đối thoại và thương lượng để giải quyết tranh chấp và sớm có kết quả thực chất về xây dựng COC, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý quốc tế, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa.

Chúng tôi đánh giá cao vai trò và những đóng góp xây dựng của Nga vào hòa bình, an ninh, hợp tác ở Đông Nam Á trong nhiều năm qua và mong muốn Nga với tư cách là một cường quốc, Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là đối tác chiến lược của ASEAN tiếp tục ủng hộ việc tích cực duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực, phù hợp với lợi ích chính đáng của các nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc quốc tế.

Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng quan hệ ASEAN-Nga đứng trước những vận hội mới tươi sáng nhờ vào những cơ sở ngày càng vững chắc hơn, đồng thời là những động lực ngày càng mạnh mẽ hơn, đó là những lợi ích chung về hòa bình, an ninh, phát triển, thiện chí và khả năng to lớn cho sự ủng hộ, hỗ trợ trên nhiều mặt.

Đây là một trong những mối quan hệ tích cực và quan trọng nhất không những đối với ASEAN, Nga mà cả đối với khu vực và quốc tế. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực nhất vào những nỗ lực đưa quan hệ ASEAN-Nga lên tầm cao mới.

Xin trân trọng cảm ơn.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm