TN - Đất & Người

Tôi luôn cố gắng để giúp được nhiều nhà, nhiều người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vẫn được nhiều người yêu mến nhắc đến với tên gọi trìu mến “tiến sĩ ozon” hay “ông già ozon”, nhiều năm qua, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải luôn bận rộn với cái nghề “vác tù và hàng tổng”. Ông dành hầu hết quỹ thời gian và tâm sức để giúp người dân trên mọi miền đất nước vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống, khi thì chữa bệnh cho người, cho gia súc, cho cây trồng, khi lại tư vấn để người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện. Đến Gia Lai với bộn bề công việc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải vẫn dành cho Báo Gia Lai một cuộc trò chuyện cởi mở.
 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (bên phải) đang hướng dẫn công nhân Công ty cổ phần Xi măng Gia Lai lắp ráp bóng đèn LED tiết kiệm điện. Ảnh: T.B

- Tìm thông tin về ông trên google, tôi đã có được rất nhiều kết quả, phần lớn là những bài báo viết về việc ông tình nguyện cứu chữa các loại dịch bệnh như tay chân miệng ở người, lở mồm long móng ở gia súc…, tất cả đều bằng dung dịch anolyt-còn được gọi là nước ozon. Tôi đặc biệt ấn tượng với lời ông từng tuyên bố: “Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh tay chân miệng”.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN KHẢI: Ấy là hồi cuối năm 2011, khi dịch tay chân miệng bùng phát và vùng “rốn” dịch nằm ở tỉnh Ninh Thuận trong nỗi hoang mang cùng cực của gần 600 gia đình có trẻ mắc bệnh này, tôi nói thế là để người dân và mọi người tin tưởng. Thực tế đã chứng minh, sau khi áp dụng phương pháp trị liệu bằng dung dịch anolyt, bệnh tình của các cháu đã thuyên giảm. Dung dịch anolyt là sản phẩm của quá trình điện phân nước muối loãng khoảng 5% có tính khử trùng cao, đây là dung dịch được nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… sử dụng để diệt khuẩn, virus, nấm mốc bào tử từ lâu rồi. Với dung dịch anolyt, tôi có thể chữa khỏi nhiều bệnh, từ thủy đậu, sởi, xoang mũi, tay chân miệng, ghẻ lở đến ho, dạ dày, vảy nến. Dung dịch mà bà con hay gọi là nước ozon này còn có thể dùng để chữa bệnh cho gia súc, cây trồng.

- Được biết, ông cùng một số bạn bè đang âm thầm chữa bệnh cho hàng ngàn trụ tiêu ở Tây Nguyên. Ông có thể nói rõ hơn về điều này.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN KHẢI: Tôi có nhiều cuộc nói chuyện với bà con nông dân ở Tây Nguyên, gần đây nhất là nói chuyện với người dân huyện Chư Sê về cách làm sạch môi trường, cách tìm hiểu và chữa trị bệnh cho cây tiêu. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương, tùy vào thành phần đất của vườn cây mà có một cách chữa trị hiệu quả. Tôi cho rằng, người nông dân làm việc gì cũng phải kiên trì, không được tùy tiện, cần có thời gian cho cây thích nghi với môi trường đất. Với cây tiêu, nếu tưới nước và bón phân nhiều quá cây sẽ rất dễ bị bệnh, từ vàng lá, xoăn lá, rụng đốt, đến thối rễ. Thực tế cho thấy khi người dân lạm dụng phân bón hóa học quá nhiều, cây sẽ bị rối loạn dinh dưỡng, từ đó dẫn đến rối loạn sinh lý và rối loạn khả năng sinh trưởng; cuối cùng là cây chết.

Có rất nhiều cách có thể cứu cây tiêu nhưng có một cách hữu hiệu nhất là dùng phân bón địa long. Tuy nhiên phải chọn nồng độ phân bón thích hợp và phù hợp với chất lượng đất, theo đó phải có được máy xác định thành phần đất. Tôi đang có ý tưởng sẽ giúp người dân vùng tiêu Chư Sê làm các phòng cấy mô, để tự mỗi gia đình có thể tự tạo giống tiêu sạch, an toàn. Tiêu an toàn là tiêu giống được sinh trưởng trong điều kiện khử trùng và kích thích sinh trưởng bằng anolyt và được chiếu sáng bằng đèn LED. Đồng thời, tôi cũng sẽ giúp người dân cách bảo quản tiêu khô sao cho không bị mốc.

- Ông vừa nhắc đến việc chiếu sáng cho cây bằng đèn LED-bóng đèn tiết kiệm điện, một trong những sản phẩm mà ông và các cộng sự chế tạo ra và đây là một trong những nguyên do chính khiến ông đến Gia Lai lần này?

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN KHẢI: Tôi được ông Dương Hùng Đỗ-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Gia Lai mời vào để giúp công ty thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng bóng đèn LED tiết kiệm điện. Đây là sản phẩm chúng tôi chế tạo và đưa ra thị trường từ năm 2007. So với các loại bóng đèn khác thì dùng đèn LED tiết kiệm hơn rất nhiều. Chúng tôi vừa đi mua 1 đèn 8w của Trung Quốc hiện đang bán ở thị trường Pleiku với giá 495.000 đồng, cho độ rọi sáng 640 LM. Cũng với mẫu mã này thì đèn LED do chúng tôi chế tạo (mua linh kiện của các nước và tự lắp ráp-P.V) là 12w, độ rọi sáng 1.320 LM; độ bền 50.000 giờ và giá chỉ có 220.000 đồng. Một loại đèn ống huỳnh quang khác trên thị trường: công suất 40w, tiêu thụ điện 70VA, cho quang thông 2.500-2.600 LM; tuy nhiên nếu thay bằng loại đèn LED thì mức tiêu thụ chỉ hết 40VA mà quang thông lên tới 3.000 LM và tuổi thọ khoảng 20.000 giờ, giá lại rẻ hơn rất nhiều.

Đặc biệt, chúng tôi có các loại đèn LED chuyên dụng trong các chuồng trại chăn nuôi; có đèn khử khuẩn, khử khói dùng trong các nhà vệ sinh công cộng, kho chứa hóa chất. Đây là những loại đèn dễ chế tạo và dễ lắp ráp. Dùng đèn của Trung Quốc giá vừa đắt, hiệu suất sử dụng lại thấp, mẫu mã xấu mà lại không phù hợp với đối tượng cần chiếu sáng. Tôi cũng mong muốn có nhiều người dân Việt Nam biết đến và sử dụng loại đèn này.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thái Bình (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm