Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Tổng Bí thư Đỗ Mười trong lòng dân Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đồng chí Đỗ Mười-nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam-sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1-10-2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn khắc ghi đậm nét trong lòng về đồng chí Đỗ Mười-người cán bộ luôn giản dị, gần dân, sát dân, luôn lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Ảnh Tổng Bí thư Đỗ Mười ân cần thăm hỏi đồng bào Gia Lai trong chuyến về thăm Gia Lai tháng 5-1992: Đức Thụy

Tháng 5-1992, Đảng bộ, quân và các dân tộc tỉnh Gia Lai vinh dự được đón đồng chí Đỗ Mười-Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào thăm và làm việc tại tỉnh nhà. Dù thời gian lưu lại và làm việc ở tỉnh của Tổng Bí thư  Đỗ Mười không nhiều, từ ngày 27 đến 29-5, rất khẩn trương nhưng những tình cảm mà Tổng Bí thư dành cho đồng bào các dân tộc tỉnh ta là vô cùng quý báu. Qua những buổi tiếp xúc làm việc, dù ở công trường xây dựng Thủy lợi Ayun Hạ đang thi công đầy nắng và bụi; làng đồng bào dân tộc thiểu số với nếp nhà sàn đơn sơ hay ở đơn vị quân đội mà cán bộ, chiến sĩ  sạm vì nắng gió thao trường… ở đâu những vấn đề mà Tổng Bí thư Đỗ Mười nêu ra cũng đều là những vấn đề gần gũi, cụ thể và bức thiết đối với đời sống: Làm thế nào để xây dựng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vững về chính trị, mạnh về quốc phòng-an ninh, phát triển về kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc? Hình ảnh cũng gây xúc động và ấn tượng mạnh trong lòng người dân là dù cường độ làm việc rất khẩn trương, đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nhưng Tổng Bí thư vẫn không quên tặng cho các cháu thiếu nhi những gói kẹo thơm ngon nhân sắp đến ngày vui của các cháu: Ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, dù đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng tỉnh Gia Lai luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, tỉnh ta được Nhà nước đồng ý cho triển khai 2 công trình có quy mô lớn là Thủy điện Ia Ly có công suất 720 MW (chỉ đứng sau Thủy điện sông Đà) và công trình đại thủy nông Ayun Hạ với năng lực tưới 13.500 ha lúa hai vụ. Công trình Thủy điện Ia Ly đang trong quá trình hình thành những bước cơ bản cho việc chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy, bằng việc san ủi mặt bằng thi công và ổn định nơi ăn ở cho số lượng lớn cán bộ, kỹ sư lành nghề từ Thủy điện sông Đà vào; công trình Thủy lợi Ayun Hạ đã triển khai được 2 năm nhưng tạm thời phải ngừng thi công vì thiếu vốn… Giữa những khó khăn mà đứng ở phạm vi của một tỉnh kinh tế còn nghèo, gặp nhiều khó khăn như Gia Lai không thể giải quyết được vấn đề gì thì việc vào thăm, làm việc của một người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước cùng với những người đứng đầu các ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước càng thể hiện sâu sắc hơn sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ảnh Tổng BÍ thư Đỗ Mười thăm Gia Lai năm 1992: Đức Thụy



Sáng 27-5, trên đường từ Kon Tum về, Tổng Bí thư Đỗ Mười đề nghị vào thăm công trình Thủy điện Ry Ninh 1-một trong những công trình phục vụ cho quá trình thi công Thủy điện Ia Ly. Tại đây, Tổng Bí thư nghe báo cáo tóm tắt quá trình chuẩn bị thi công Thủy điện Ia Ly. Sau khi xuống thực tế hiện trường thăm các bãi tập kết máy móc, thiết bị, Tổng Bí thư đã đi thẳng đến nơi ở và làm việc, trực tiếp gặp gỡ, ân cần thăm hỏi sức khỏe của cán bộ, công nhân, kỹ sư vừa từ Thủy điện Sông Đà tăng cường vào để chuẩn bị bắt tay xây dựng Thủy điện Ia Ly... Nói chuyện với các cán bộ, kỹ sư, công nhân, Tổng Bí thư động viên: Tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân hãy vì sự no ấm, hạnh phúc ngày mai của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà khắc phục mọi khó khăn về đời sống, về gia đình, về thời tiết khí hậu, tích cực làm việc góp phần nhanh chóng biến ước mơ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung sớm thành hiện thực.

Ngay hôm sau, Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm công trình Thủy lợi Ayun Hạ. Mặc dù phải vượt qua chặng đường dài gần 100 km đầy bụi đỏ nhưng vừa đến nơi, Tổng Bí thư đề nghị đưa thẳng xuống cánh đồng Ia Sol, công trình đầu mối và đập tràn xả lũ-các công trình đang phải tạm dừng thi công vì thiếu vốn. Tại đây, không văn phòng, không lán trại, cũng chẳng ghế bàn, Tổng Bí thư nhanh nhẹn lấy từ tay cán bộ Ban Quản lý sơ đồ đập đầu mối, trải ngay trên gò đất đá lởm chởm để nghe thuyết trình. Sau khi nắm rõ tình hình thực tế, Tổng Bí thư khẳng định: Thủy lợi Ayun Hạ là một công trình thủy lợi lớn, khi hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả mang lại rất thiết thực và cần có sự đầu tư kinh phí thích đáng để góp phần thay đổi phương thức canh tác lạc hậu và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Ayun Pa nói riêng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung. Tổng Bí thư gợi ý: Cùng với việc vay vốn nước ngoài và đầu tư của Nhà nước, Ban Quản lý cần năng động, sáng tạo trong việc tuyên truyền, động viên nhân dân và tìm kiếm các hình thức huy động vốn phù hợp. Chẳng hạn huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân, vay vốn Ngân hàng Nhà nước (bằng tiền hoặc bằng vàng). Đây là một công trình phục vụ thiết thực sản xuất và đời sống của người dân, khi công trình phát huy tác dụng phải trích một phần sản phẩm để trả nợ. Tổng Bí thư kết luận: Với trách nhiệm của mình, đồng chí sẽ tác động với Hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên, muốn công trình sớm hoàn thành đưa vào sử dụng thì Ban Quản lý và lãnh đạo tỉnh phải năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, vận dụng tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và phải thực hiện đầy đủ quy ước: Vay vốn và trả lãi.

Không chỉ quan tâm đến những vấn đề kinh tế, vấn đề có tính vĩ mô, Tổng Bí thư Đỗ Mười còn dành thời gian xuống với dân, gần dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân… Và, có lẽ hình ảnh đọng lại trong lòng người dân sâu đậm nhất là việc Tổng Bí thư thăm làng Prông (xã Ia Sao, huyện Chư Pah) và làng Peng (thuộc Công ty Cao su Chư Sê). Tại làng Prông, với tình cảm chân thành, gần gũi và cởi mở, Tổng Bí thư đã ân cần thăm hỏi người già, tặng quà cho các cháu thiếu nhi; cùng với các già làng uống rượu cần và tham gia các sinh hoạt văn hóa. Tổng Bí thư mong muốn đồng bào hãy nghe theo lời của Đảng, của Bác Hồ, tiếp tục củng cố và ổn định đời sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi, đặc biệt là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình để từng bước nâng cao đời sống, làm giàu cho bản thân mình, làm giàu cho buôn làng và làm giàu cho tỉnh, cho xã hội. Thăm bà con làng Pang-mô hình “làng công nhân” của Công ty Cao su Chư Sê, Tổng Bí thư tỏ rõ sự vui mừng khi được thấy đồng bào đã định canh định cư, đời sống đã ổn định, kinh tế vườn phát triển và nhất là sự tiến bộ trong nhận thức của đồng bào đối với việc trồng cây cao su-một việc làm mới mẻ so với phương thức cũ “Phát-đốt-chọc-trỉa” vốn ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tại đây, qua tiếp xúc với đồng bào, Tổng Bí thư yêu cầu lãnh đạo Công ty Cao su Chư Sê chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, vì theo đồng chí, con người là cốt lõi của vấn đề, người công nhân quyết định sự tồn tại của cây cao su và sự sống còn của công ty. Một khi đời sống của công nhân được chăm lo đầy đủ, ổn định thì nhất định họ sẽ an tâm, gắn bó và sẽ yên tâm việc nhà đồng thời dành nhiều thời gian cho công việc chung của tập thể.

Tổng Bí thư Đỗ Mười đã về với thế giới vĩnh hằng nhưng hình ảnh, lời nói, tình cảm… của đồng chí với Đảng bộ, quân dân và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ mãi còn ở lại!

 Phan Hòa
 

Có thể bạn quan tâm