Tin tức

Tổng thống Nga đặt mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng thống đắc cử Vladimir Putin vừa đặt ra những mục tiêu rất tham vọng nhằm đưa nền kinh tế Nga bước vào kỷ nguyên hiện đại.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang bao trùm Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nước Nga lại đang chứng kiến những tín hiệu kinh tế tích cực, khi thâm hụt ngân sách quốc gia dự kiến chỉ ở mức 0,3% GDP năm nay, đồng thời đạt mức tăng trưởng kinh tế 4,9% trong quý 1-2012.

 

Tổng thống Vladimir Putin.

Cho dù triển vọng phát triển trong ngắn hạn của của xứ sở Bạch dương là khá sáng sủa, song mục tiêu đặt ra và khả năng thực hiện vẫn là một dấu hỏi lớn.

Tổng thống Putin thừa nhận rằng khủng hoảng nợ tại Eurozone vẫn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các nhà xuất khẩu Nga, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Hơn nữa, kinh tế Nga vẫn chưa hiện đại hóa hoàn toàn sau hơn 20 năm kể từ khi Liên bang Xôviết sụp đổ và việc nước Nga dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài thực sự là một vấn đề đáng lo ngại đối với ông Putin.

Để hướng tới mục tiêu hiện đại hóa nước Nga, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh chính sách kinh tế mới nhằm sửa đổi những thiếu sót của kinh tế Nga hiện nay.

Trên thực tế, vấn đề hiện đại hóa nước Nga đã được nhắc đến từ lâu và khi được triển khai thì kế hoạch này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự, ảnh hưởng tới kinh tế và xã hội Nga.

Cụ thể, ông Putin yêu cầu chính phủ Nga cần triển khai một loạt biện pháp như tạo ra và hiện đại hóa 25 triệu việc làm có năng suất cao vào năm 2020; Tăng cường đầu tư lên mức không ít hơn 25% GDP vào năm 2015; Thúc đẩy năng suất lao động tăng gấp 1,5 lần so với mức tương ứng của năm 2011; Nâng vị thế của nước Nga trong bảng xếp hạng Chỉ số hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) từ thứ hạng 120 năm 2011 lên hạng 50 vào năm 2015 và hạng 20 vào năm 2018; Nâng tuổi thọ trung bình của người dân từ mức 70 hiện nay lên 74 vào năm 2018.

Nhìn chung, giới phân tích đánh giá kế hoạch và mục tiêu của Tổng thống Putin là rất tham vọng, đặc biệt khi nó được thực hiện chỉ trong nhiệm kỳ sáu năm của ông Putin.

Giám đốc Viện Phát triển tại trường kinh tế cấp cao tại Mátxcơva (Nga), Natalya Akindinova đánh giá, mục tiêu của Tổng thống Putin khiến người ta nhớ lại kế hoạch hiện tại hóa tại Trung Quốc, từng được mô tả là bước "đại nhảy vọt", dưới thời nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Tuy nhiên, một số mục tiêu của ông Putin sẽ chỉ khả thi nếu được thực hiện trong giai đoạn từ 10-15 năm, chứ không phải chỉ trong giai đoạn sáu năm như đã đề ra.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng tại Troika Dialog, Chris Weafer cho rằng, mức tăng GDP "bất ngờ" trong quý I vừa qua của Nga cho thấy nước này vẫn đứng vững trước cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Ngay cả khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra tại châu Âu thì Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này và sự chuẩn bị của Nga hiện nay tốt hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm