Phóng sự - Ký sự

Trả nợ rừng xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều muộn, ánh sáng chỉ còn le lói ở đường chân trời, chúng tôi cùng một đồng nghiệp đài huyện Nam Trà My mới ngược lên hướng nóc Măng Lùng...
 
Ngôi làng ở xã Trà Linh được phủ màu xanh từ việc tái tạo rừng. ẢNH: NAM THỊNH
Bao đời nay, đồng bào Xê Đăng chủ yếu phát nương làm rẫy để mưu sinh, rừng già vì thế cứ thu hẹp dần, thay vào đó là những nương ngô, rẫy lúa. Vậy mà giờ đây, người dân đã tìm mọi cách bảo vệ rừng xanh với tâm thế của người “mắc nợ”…
Chiều muộn, ánh sáng chỉ còn le lói ở đường chân trời, chúng tôi cùng một đồng nghiệp đài huyện Nam Trà My mới ngược lên hướng nóc Măng Lùng (thôn 1, xã Trà Linh, H.Nam Trà My, Quảng Nam). Xã Trà Linh nằm cheo leo trên dãy núi Ngọc Linh với độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển. Đồng nghiệp bảo, có muốn lên đây sớm cũng sẽ chẳng gặp được ai, vì ban ngày đồng bào ra rẫy làm lúa hoặc lên rừng chăm cây dược liệu, cắm chốt giữ sâm…
 
Một góc ngôi làng tỉ phú trên đỉnh Ngọc Linh, nơi có tỉ phú Du và Lượng đang an cư
Đường dẫn lên nóc Măng Lùng nay đã bê tông hóa vào tận nhà dân. Nhưng trước một con dốc dựng đứng, xe máy của chúng tôi không thể ngược núi, đành gửi tạm bên đường. Cuốc bộ gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tới nóc Măng Lùng. Giữa cái lạnh, sương mờ tỏa ra từ đá, cả một góc rừng bất ngờ sáng trưng ánh điện, tuyệt đẹp. Hẳn mọi người từng nghe nhắc, Măng Lùng là một trong những ngôi làng tỉ phú đầu tiên trên dãy núi Ngọc Linh khi có những đại gia sở hữu vườn sâm “khủng” đang an cư lạc nghiệp.
“Bồi thường” cho rừng
"Bao đời nay người dân bản địa chúng tôi đều nhờ vào rừng. Cây sâm Ngọc Linh cũng nhờ mẹ rừng ban tặng. Chúng tôi sẽ dồn mọi tâm huyết để giữ những cánh rừng còn sót lại. Mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu. Nếu có rẫy, tôi vẫn sẽ tiếp tục mua để trồng rừng”-
Già Hồ Văn Du
Người tiên phong trong phong trào “trả nợ” rừng xanh không ai khác là già Hồ Văn Du, người gắn bó hơn 40 năm với cây sâm Ngọc Linh. Già Du là cũng là một trong những đại gia khi sở hữu trong tay vườn sâm hàng chục héc ta. Cách đây hơn 3 năm, già không ngần ngại chi 200 triệu đồng chỉ để xây nhà vệ sinh khép kín… Thấy người lạ đến, già Du với bộ dạng lem luốc vì mới từ rẫy về thoáng ngại ngùng gãi đầu, rồi mời khách vào nhà. “Đây, đại gia Hồ Văn Du. Người sở hữu nhiều sâm Ngọc Linh nhất ở xứ sở này. Ông cũng chính là người phủ xanh đồi trọc trên đất nương rẫy ở Trà Linh”, người dẫn đường giới thiệu.
Trà Linh trước đây là xã khó khăn nhất cả vùng núi Nam Trà My. Đa số đồng bào Xê Đăng sống chủ yếu dựa vào việc phát nương, làm rẫy. Rừng già cứ thế bị thu hẹp dần. Tập quán du canh du cư của họ càng khiến rừng bị xâm hại. Nhưng từ khi cây sâm Ngọc Linh được nâng tầm về thương hiệu lẫn giá trị, những ngôi làng trên đỉnh Ngọc Linh vụt biến thành làng tỉ phú. Từ đấy, đồng bào nhận ra chân giá trị từ rừng già và nghĩ cách bảo vệ.
 
Già Hồ Văn Du, người tiên phong trong phong trào trồng lại rừng, đang chăm sóc cây sâm Ngọc Linh
“Đặc điểm cây sâm Ngọc Linh là sống dưới tán rừng, nơi có độ che phủ trên 80% và nhiệt độ dao động ở mức 20 độ C, nên muốn trồng sâm thì phải giữ rừng, phục hồi rừng”, già Du mở đầu câu chuyện.
Uống ngụm nước chè, già Du theo mạch chuyện kể, Trà Linh không có giống cây nào “giá trị” như sâm Ngọc Linh. Nhưng lâu nay, dân làng cứ vô tư phát rẫy và diện tích trồng sâm bị thu hẹp. Sớm nhận ra hệ lụy đó, ông Du đã khoanh hơn 3 ha đất rẫy sát vùng sâm để tái sinh. Ông đưa những cây bản địa lên để trồng. “Thế hệ” cây tái sinh hiện đã cao hơn 4 m và dần tạo độ che phủ, tạo lớp đất mùn trở lại. “Bao đời nay người dân bản địa chúng tôi đều nhờ vào rừng. Cây sâm Ngọc Linh cũng nhờ mẹ rừng ban tặng. Chúng tôi sẽ dồn mọi tâm huyết để giữ những cánh rừng còn sót lại. Mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu. Nếu có rẫy, tôi vẫn sẽ tiếp tục mua để trồng rừng”, già Du trải lòng.
Từ vạt rừng của già Du, nhiều người Xê Đăng từng phát rừng làm rẫy ở Trà Linh cũng lẳng lặng bỏ tiền túi ra để phục hồi rừng. Họ bảo, đấy là cách “bồi thường” cho đại ngàn hùng vĩ.
Rừng “trả ơn” người
Ở xã Trà Nam (H.Nam Trà My), hàng trăm hộ gia đình lại có cách giữ rừng khác lạ: tự giác lập các chốt canh dọc QL40B để thay nhau bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam, không giấu chuyện kể từ khi có trục QL40B ngang qua, nạn lén lút khai thác lâm sản trái phép, xâm hại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở đây diễn ra khá phức tạp. Rừng chảy máu ngày đêm, vì lực lượng kiểm lâm còn quá mỏng, tuần tra không xuể. Thế là đồng bào Xê Đăng nhập cuộc.
Khởi sự từ năm 2017, đồng bào lập chốt tuần tra. “Người Xê Đăng bao đời nay được mẹ rừng che chở, ban cho những sản vật quý hiếm. Vì vậy, bảo vệ rừng và phục hồi rừng xanh là việc luôn được ưu tiên hàng đầu và hiện người dân đang làm rất tốt”, ông Phương nói.
 
Khu rừng đang phục hồi của già Hồ Văn Du
Ông Nguyễn Văn Lượng, một tỉ phú trồng sâm ở Trà Linh, vừa mua hơn 5 ha đất rẫy của dân làng nằm ngoài rìa vùng sâm gia đình để tái sinh rừng. Ông đưa nhiều cây gỗ bản địa để trồng với tâm niệm mình sống nhờ rừng thì phải giữ rừng bền vững cho tương lai. "Chừ mình không lo trồng rừng, trả lại màu xanh cho rừng thì sau này con cháu lấy đất đâu để trồng sâm Ngọc Linh?", ông Lượng hướng mắt về phía cánh rừng già, nói chắc nịch. Ông Nguyễn Đình Hoan, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, hoan nghênh cách làm của đồng bào Xê Đăng. Ông gọi đó là tín hiệu đáng mừng. Bà con sống nhờ rừng, gắn bó với rừng, nay lại tìm cách giữ rừng thì còn gì thú vị hơn.
“Phong trào” trồng rừng trên đất rẫy ở Trà Linh còn mở rộng ra nhiều ngôi làng khác. Mỗi nơi một kiểu ứng xử. Riêng làng Tắc Lan ở thôn 3, các tỉ phú sâm đã thay vật liệu gỗ bằng bê tông cốt thép kiên cố khi xây nhà. Họ không đẵn gỗ để khỏi xâm hại rừng tự nhiên. Chi phí xây nhà nơi rẻo cao thường tốn bạc tỉ, nhưng họ không ngần ngại chi tiền, vì biết mỗi cây rừng vươn xanh sẽ lại “trả ơn” người bằng cách chở che cho cây sâm phát triển. No ấm giàu sang sẽ lại theo về…
Mạnh Cường (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm