Bạn đọc

Tràn lan rượu Bàu Đá giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng rượu Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Bình Định. Nơi đây sản xuất ra rượu Bàu Đá xưa nay đã nổi tiếng với cái tên mỹ miều “Thiên hạ đệ nhất tửu”. Tại thôn Cù Lâm, hầu hết gia đình trong thôn đều nấu loại rượu nổi tiếng này, nhưng buồn thay, họ không thể “sống” bằng nghề, đơn giản vì rượu giả đang tràn lan.

Quốc lộ (QL) 1A đoạn từ ngã ba cầu Ông Đô (huyện Tuy Phước) đến thị xã An Nhơn, hay từ nơi giao nhau giữa QL 19 với QL 1A chạy theo hướng QL 19 lên Gia Lai, đâu đâu cũng thấy các chủ hàng quán trưng bày la liệt các loại rượu Bàu Đá. Từ chai nhựa đến bình sành sứ, từ hình dạng đơn thuần đến những bình trang trí hoa văn bắt mắt, hồ lô… Tất cả các loại trên có giá từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/lít.
 

Các hàng quán bày bán rượu Bàu Đá ven quốc lộ 1A.

Tại một hàng quán có trưng nhiều rượu Bàu Đá ở gần nơi giao nhau giữa QL 1A và QL 19, thấy chúng tôi có vẻ e dè vì sợ rượu giả, chị chủ quán bảo: “Ở đây, chị đố em tìm ra chỗ nào bán đúng rượu thật, trừ khi em đến nơi dân làng rượu Bàu Đá nấu”.

Lân la ở các hàng quán tương tự, chúng tôi được biết có 2 cách “chế biến” rượu Bàu Đá giả. Cách thứ nhất, vẫn nấu như rượu Bàu Đá thật nhưng không phải dùng đúng nguồn nước và công thức như người dân thôn Cù Lâm vẫn làm, thường loại này có xuất xứ từ gần thôn Cù Lâm, được các hàng quán mua với giá 6.000 đồng-12.000 đồng/lít (tùy vào nếp hay gạo). Cách thứ hai, các hàng quán mua rượu từ nơi khác với giá rất rẻ, sau đó thêm nồng độ cồn vào rồi vô chai, dán nhãn mác y như rượu Bàu Đá thật. Một số chủ hàng quán còn “bật mí”, nhiều khi loại này không được nấu như rượu bình thường mà chỉ là pha chế nước với cồn.

Ông Lê Quang Tâm-Chủ tịch Hiệp hội rượu Bàu Đá tỉnh Bình Định cho biết: Hiện nay, Hiệp hội có 33 hộ nấu rượu với 52 thành viên, 19 hộ kinh doanh rượu. Trung bình mỗi ngày cả thôn Cù Lâm chỉ sản xuất khoảng 100-150 lít. Cũng theo ông Tâm, người dân ở đây đa phần nấu rượu chủ yếu là cầm chừng và lấy hèm nuôi heo là chính, chứ không có ai sống bằng nghề này cả. Ở thôn Cù Lâm, 1 lít rượu có giá 20.000 đồng/lít rượu gạo và 25.000 đồng/lít rượu nếp, trong khi rượu giả ngoài thị trường có giá thậm chí chưa tới một nửa.

Một người dân ở thôn Cù Lâm cho biết: Với giá trên, nếu nấu hết 50 kg gạo (nếp) thì người nấu vẫn lỗ khoảng 100.000 đồng. Nhiều người còn tỏ ra bức xúc: Có một số doanh nghiệp đến ký hợp đồng mua rượu từ các gia đình với số lượng lớn và trong thời gian dài. Nhưng chỉ được ít lâu thì các đơn vị này mua rượu giả từ nơi khác để vào chai, dán nhãn mác Bàu Đá rồi tung ra thị trường với số lượng hàng ngàn lít mỗi ngày.

Lê Xuân Thọ

Có thể bạn quan tâm