Kinh tế

Trăn trở từ vùng chuyên canh rau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ đối mặt với khó khăn do thời tiết khô hạn làm ảnh hưởng đến năng suất mà giá một số loại rau quá rẻ khiến nông dân 2 xã Tân An, Cư An (huyện Đak Pơ) thậm chí đã phải chấp nhận cày bỏ vườn rau vì không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch.

Cày bỏ rau vì giá quá thấp

Trồng hơn 1 sào cải ngọt nhưng đến ngày thu hoạch, bà Ngô Thị Yến Tuyết (thôn Thuận Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ) đành chấp nhận cày bỏ để tiếp tục trồng lứa rau khác, vì giá mua quá rẻ. “Giá rau chỉ được 500 đồng/kg, không đủ tiền thuê người cắt nên tui đành bỏ đi. Có hôm giá rau nhích lên 700 đồng nhưng thương lái chê lên chê xuống”-bà Tuyết cho biết.

 

Người dân thôn Tân Sơn (xã Tân An, huyện Đak Pơ) thu hoạch rau xanh. Ảnh: L.H

Tương tự, hộ ông Đinh Quốc Vũ (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cũng vừa thuê máy về cày hết 1 sào cải ngọt, vì giá quá rẻ. “Tiếc công, tiếc của nên tôi cũng ráng chờ giá có khá hơn không nhưng ròng rã mấy tuần, giá không nhúc nhích, đành phải cày bỏ vậy”-ông Vũ nói. Không riêng gì hộ bà Tuyết, ông Vũ mà còn rất nhiều hộ trồng cải ngọt khác ở Tân An, Cư An đều ở trong tình cảnh tương tự. Nhà nào sẵn công còn chịu khó cắt cải bán kiếm ít đồng, nhà nào neo người, buộc phải thuê nhân công thì chỉ còn nước phá đi trồng lứa khác. “Giá đó mà thuê người về cắt còn phải bù thêm tiền công. Lứa rau này coi như lỗ vốn”- ông Vũ chia sẻ.

Với những hộ trồng rau ngò, tình cảnh cũng không khá hơn là bao. “Mấy đợt trước ngò được giá nên tôi trồng 1 sào. Nắng hạn kéo dài, ngò không tốt lắm, đã thế giá còn quá thấp, không đủ công, vốn đầu tư. Một sào ngò bán không đầy 2 triệu đồng”-ông Đinh Viết An (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cho biết. Không đến nỗi phải cày bỏ hay chịu lỗ, nhiều loại rau khác như: cải bắp, hành lá, dưa leo… cũng mất giá thê thảm. “Tầm này các năm trước cải bắp bán phải được 6-8 ngàn đồng/kg, năm nay có 3-3,5 ngàn đồng/kg. Nếu tính cả tiền công hai tháng chăm bón, tiền giống, vật tư… thì 2 sào cải bắp vụ này nhà tôi coi như huề vốn”-ông Nguyễn Đức Cường (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ) nói.

Được ví như loại cây “mì ăn liền”, tức nhanh đem lại nguồn thu, tất nhiên nguồn thu không lớn, rau xanh là cây trồng giúp giải quyết nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Giá thành các loại rau trong thời gian qua xuống thấp khiến người trồng rau các vùng Tân An, Cư An gặp nhiều khó khăn. “Năm nay ít mưa nên việc canh tác rau gặp khó khăn hơn. Thêm vào đó, giá cả bấp bênh, không ổn định nên nhà vườn vất vả, lời lãi chẳng bao nhiêu”-ông Nguyễn Văn Huỳnh-Phó Chủ tịch UBND xã Cư An cho biết.

Bao giờ hết cảnh bấp bênh?

Tân An và Cư An được coi là vựa rau lớn, cung cấp không chỉ cho thị trường trong tỉnh mà còn vươn tới nhiều tỉnh: Quảng Nam, Quảng Trị, TP. Đà Nẵng, Huế… Theo thống kê, tổng diện tích rau của 2 xã này khoảng 2.200 ha, mỗi ngày cung ứng cho thị trường hàng ngàn tấn rau xanh. “Chỉ tính riêng Tân An đã có tới gần 1.100 ha rau xanh các loại, chiếm tới 50% diện tích đất nông nghiệp và 70% số dân trong xã làm nghề trồng rau. Nguyên nhân khiến cho người làm rau ở trong tình trạng may rủi là bởi quá phụ thuộc vào thị trường. Rau hầu hết được các đại lý thu gom, sau đó vận chuyển tới các tỉnh thành tiêu thụ và do chưa có đơn vị nào đứng ra liên kết sản xuất, tiêu thụ nên giá cả bấp bênh”-ông Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Tân An khẳng định.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Huỳnh-Phó Chủ tịch UBND xã Cư An còn chia sẻ thêm: Không tạo được đầu ra ổn định và lệ thuộc vào các đầu mối thu gom nên xuất hiện tình trạng tư thương bắt tay làm giá, ép giá rau và cả tình trạng “bảo kê” tại các vựa rau khiến nông dân càng thêm thiệt thòi. Vấn đề này địa phương có biết nhưng cũng khó bắt quả tang để xử lý.

Sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại rau xanh cộng với kinh nghiệm tích lũy nhưng dường như người dân Tân An, Cư An vẫn chưa làm chủ được nghề của mình theo đúng nghĩa. Sản phẩm làm ra lệ thuộc quá nhiều vào thị trường và trực tiếp là các đại lý thu gom. “Chúng tôi mong muốn nghề trồng rau của bà con trên địa bàn phát triển bền vững. Nhưng để làm được điều này, không chỉ dựa vào địa phương mà cần có sự giúp sức chung tay từ cấp cao hơn. Tiềm lực rõ rồi nhưng tìm được giải pháp mang tính bền vững, làm sao tạo thế làm chủ cả ở khâu sản xuất lẫn tiêu thụ thì khi ấy, người làm rau mới khá lên được”-ông Huỳnh chia sẻ.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm