Pháp luật

Tin tức

Trắng đen phán quyết của tòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng trong một ngày, hai bên đương sự thực hiện việc giao dịch mua bán nhà, đất nhưng đồng thời Tòa án thụ lý vụ kiện và hòa giải ngay một vụ kiện vay mượn khác nhằm mục đích cấn trừ nợ bằng chính nhà, đất đã mua bán. Trong khi đó, nguyên tắc tranh chấp hợp đồng mua bán và tranh chấp vay tài sản là hai nội dung khác nhau nhưng được thẩm phán… nhập chung.

Xử nhanh… như tên bắn!

Ngày 15-6-2012, Văn phòng Công chứng Xuân Thủy (TP. Pleiku) chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bên chuyển nhượng là vợ chồng ông bà Đặng Vĩnh Minh-Võ Thị Kim Chung (116 Tô Vĩnh Diện-TP. Pleiku) với bà Nguyễn Thị Thu Hà (49 Nguyễn Viết Xuân-TP. Pleiku) gồm: nhà, đất tại 126 Tô Vĩnh Diện-phường Hoa Lư-TP. Pleiku và nhà đất tại tổ 10-phường Hoa Lư-TP. Pleiku (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 270446 do UBND TP. Pleiku cấp ngày 11-7-2005).

 

Cũng trong ngày 15-6-2012, Tòa án Nhân dân TP. Pleiku vừa tiếp nhận đơn vừa yêu cầu nộp án phí, vừa ra thông báo thụ lý đơn đòi nợ giữa bà Nguyễn Thị Thu Hà cho bà Võ Thị Kim Chung vay 4,1 tỷ đồng. Và sau 2 ngày (tức ngày 18-6-2012), Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng tiến hành lập biên bản hòa giải thành việc bà Võ Thị Kim Chung chấp nhận trả nợ vay cho bà Nguyễn Thị Thu Hà 4.155.333.000 đồng (nợ gốc 4,1 tỷ đồng).

Tiếp đến, ngày 26-6-2012, Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng ký quyết định công nhận sự thỏa thuận trong đó có nội dung: “Bà Võ Thị Kim Chung và ông Đặng Vĩnh Minh có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị Thu Hà 4.155.333.000 đồng trong thời hạn 5 ngày tính từ ngày 18-6-2012 đến ngày 23-6-2012. Trong trường hợp bà Võ Thị Kim Chung và ông Đặng Vĩnh Minh vi phạm thời hạn trả nợ thì bà Nguyễn Thị Thu Hà có quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên cho bà Nguyễn Thị Thu Hà 2 thửa đất tọa lạc tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai (tài sản là nhà và đất như đề cập ở trên-N.V) để khấu trừ toàn bộ số nợ trên”.

Trong vụ án này cả nguyên đơn dân sự, bị đơn và thẩm phán đều quá “đồng cảm” đến mức chỉ trong một ngày vừa thụ lý đơn, vừa yêu cầu nộp án phí; đương sự hai bên lại thực hiện việc công chứng mua bán nhà, đất; khi vụ án đã được lập biên bản thỏa thuận thành (18-6-2012) nhưng đến ngày 22-6-2012 Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP. Pleiku mới nhận được thông báo thụ lý đơn của Tòa án. Như vậy, việc giải quyết của tòa nhanh đến mức VKS mất luôn quyền giám sát tuân theo pháp luật.

Dùng “đao” của tòa để tẩu tán tài sản?

Khi nộp đơn, Tòa án cần phải có thời gian để xem đơn có đủ điều kiện tiếp nhận, trả đơn hay yêu cầu đương sự sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện kèm theo chứng cứ như quy định tại điều 164, 165, 167, 168 và 169 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Đồng thời, điều 172 còn quy định: “Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán giải quyết vụ án”. Như vậy, Tòa án phải có ít nhất một ngày sau khi nhận đơn để xem xét có tiếp nhận đơn hay trả đơn, sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện.

Hơn nữa, Điều 174 Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Song, trong trường hợp này, bà Lê Thị Thu Hà-Viện trưởng VKSND TP. Pleiku cho biết: “Vụ án được thụ lý ngày 15-6-2012 nhưng thông báo gửi đến VKSND TP. Pleiku ngày 22-6-2012 là chậm 2 ngày so với quy định (thực ra là chậm 3 ngày-N.V)”.

Chứng tỏ việc tiếp nhận đơn, thụ lý đơn, Tòa án tống đạt cho các bên không biết bằng cách nào quá nhanh trong khi cả hai bên nguyên-bị còn phải có thời gian giao dịch mua bán nhà, đất tại phòng công chứng. Cũng bởi giải quyết quá nhanh, thẩm phán đã tước mất quyền được suy nghĩ, cung cấp chứng cứ, tài liệu có liên quan của các đương sự (bị đơn, người có quyền, lợi ích liên quan…) như quy định tại điều 175 Bộ luật Tố tụng Dân sự, mà cụ thể trong vụ kiện này là ông Đặng Vĩnh Minh-chồng của bà Võ Thị Kim Chung. Việc giải quyết trên đã vi phạm Điều 3 của Bộ luật Tố tụng Dân sự về bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng dân sự.

Ngoài ra, về nguyên tắc giải quyết tranh chấp dân sự, khi các đương sự khởi kiện hợp đồng mua bán tài sản thì Tòa án chỉ xem xét hợp đồng đó có vi phạm pháp luật hay không để yêu cầu các bên tiếp tục hoặc không tiếp tục thực hiện; trong vụ kiện vay mượn tài sản, tòa phán quyết có trả nợ hay không. Trên cơ sở phán quyết có hiệu lực của Tòa án, cơ quan thi hành án sẽ triển khai việc cưỡng chế tài sản nếu một bên không chấp hành việc trả nợ. Tuy nhiên Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng lại tự ý cho mình quyền phán quyết cấn trừ nợ bằng tài sản là 2 căn nhà và đất.

Sự vụ tưởng chừng đơn giản là việc giải quyết nhiệt tình của Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng. Nhưng không, cũng trong ngày 18-6-2012, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku đã ra quyết định về việc bà Võ Thị Kim Chung liên đới cùng với ông Chu Văn Lai và bà Võ Trần Thu Hạnh phải thi hành một bản án khác trả nợ cho bà Phạm Thị Phượng ở tổ 8, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa với số tiền trên 3,3 tỷ đồng. Phán quyết có hiệu lực pháp luật của Thẩm phán Đinh Thị Như Phượng sẽ giúp sức cho việc chuyển dịch tài sản từ bà Võ Thị Kim Chung sang cho bà Nguyễn Thị Thu Hà. Và như vậy, việc cưỡng chế thi hành án của Chi cục thi hành án Dân sự TP. Pleiku coi như trắng tay (bà Chung, ông Lai chúng tôi còn đề cập đến một vụ việc khác trong bài viết: “Chiếm dụng hàng chục tỷ đồng vẫn vô can?). Liệu bà Võ Thị Kim Chung mượn “đao” của tòa để tẩu tán tài sản?

Huỳnh Lê
 

Có thể bạn quan tâm