Bạn đọc

Tranh chấp đất đai: Giải quyết không dứt điểm, khiếu kiện kéo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Gia Lai online nhận được đơn của một số hộ dân ở thôn 1 xã Ayun, huyện Mang Yang phản ánh về việc diện tích đất canh tác của họ (được khai hoang từ năm 1976 và canh tác ổn định, khoảng 60 ha) nhưng chưa kịp hưởng thành quả và công sức bỏ ra thì diện tích đất trên đã bị thu hồi giao cho Trại giam Gia Trung quản lý. Điều đáng nói là sự việc kéo dài từ năm 1998 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nên người dân khiếu kiện kéo dài.

Khu vực đất đang tranh chấp khoảng 60 ha. Theo nhiều người cao tuổi ở tại thôn 1 thì người dân sống ở xã này chủ yếu đến từ huyện Hoài Nhơn, Bình Định và một số ít từ Quảng Ngãi đi xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước từ năm 1976. Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên (SN 1937) hồi tưởng lại: Năm 1976, hai vợ chồng bà và 5 người con đến đây sinh sống. Bấy giờ nơi đây là khu vực hoang vắng, rừng núi rậm rạp, thú dữ rình rập… khiến nhiều người mới đến lúc đầu rất lo lắng vì không biết sẽ phải xoay xở thế nào. Hai vợ chồng bà bắt đầu khai hoang (trên khu vực đất hiện đang tranh chấp).

 

Người dân thôn 1 trình bày với phóng viên. Ảnh: Như Nguyện

Việc khai hoang vô cùng vất vả. Một số hộ khác có người phải bỏ mạng vì những cơn sốt rét rừng. Gia đình bà may mắn hơn nhưng cũng phải làm việc cật lực suốt 7 năm trời khai hoang mới hình thành nên cái rẫy hơn 5 ha. Ban đầu gia đình trồng lúa, mì sau chuyển sang trồng điều, cà phê; nhờ vậy cũng tạm đủ ăn. Nhưng đến năm 2001, chưa kịp hưởng thành quả, công sức lao động mà gia đình bỏ ra thì Giám thị Trại giam Gia Trung đưa một toán phạm nhân đến chặt hết điều, cà phê trên diện tích đất rẫy của gia đình bà nhưng không đền bù và trồng cây keo vào đó. Dù nhiều lần khiếu nại về việc này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết cụ thể, nên gia đình bà tiếp tục khiếu kiện.

Tương tự như hộ gia đình bà Liên, sau khi khai hoang xong, gia đình chị Huỳnh Thị Thu có trồng 2 ha cà phê được 3 năm chưa kịp cho thu hoạch thì năm 2002 cũng bị Giám thị Trại giam Gia Trung cho người đến chặt mất 1 ha và trồng cây keo vào. Gia đình bà Nguyễn Thị Oanh (SN 1947) cũng trong tình cảnh tương tự. Bà Oanh cho biết: Lãnh đạo UBND xã Ayun giải thích do dân không canh tác nên trên thu hồi đất giao cho Trại giam Gia Trung quản lý khiến chúng tôi không phục vì trên thực tế người dân vẫn canh tác, trồng hoa màu trên diện tích đất mà mình khai hoang chứ không bỏ đất trống.

Nhiều hộ dân khác cho biết, nếu cấp trên muốn thu hồi đất thì phải tìm hiểu hiện trạng đất đó được sử dụng ra sao, có tranh chấp hay không… Việc này có lẽ xã cho rằng chúng tôi bỏ hoang nên báo cáo lên tỉnh. Thực tế chúng tôi vẫn canh tác và sống bám vào diện tích đất ấy để có cái ăn. Vậy mà… Hiện nay trên 40 hộ dân thôn 1, xã Ayun vẫn kiên trì khiếu kiện để được canh tác trên diện tích đất mà mình khai hoang từ năm 1976 đến nay. Do không có đất canh tác, nhiều người phải đi làm thuê ở tận xã Hà Ra, huyện Mang Yang và có người phải làm thuê cho các doanh nghiệp trồng cao su bên Lào nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống.

Về vấn đề tranh chấp đất giữa nhân dân thôn 1, xã Ayun và Trại giam Gia Trung, phóng viên Báo Gia Lai đã có buổi làm việc với ông Trần Tấn Lợi- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ayun, ông Lợi cho biết: Nguyên vùng đất này (đất đang tranh chấp) là đất do người dân khai hoang canh tác nhưng sau đó dân bỏ, không canh tác vì đất bạc màu. Số hoa màu còn lại không chăm bón chỉ lèo tèo vài cây cà phê, điều không có trái…

Năm 1998, tỉnh đã giao diện tích đất này cho Trại giam T15 trước đây (nay là Phân trại K4-Gia Trung) để trồng rừng và xảy ra tranh chấp đất giữa người dân và Trại giam Gia Trung. Xã đã tập trung giải quyết vấn đề này, nhiều lần tuyên truyền, tổ chức họp dân và có đại diện các bên nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được. Khu vực đất đang tranh chấp khoảng 60 ha nhưng Trại đã trả lại cho dân được 21 ha… Trại cũng đã hứa sẽ trình Bộ Công an xem xét giao nốt phần đất còn lại cho địa phương quản lý và sẽ giao lại đất cho người dân…

Trước tình hình khiếu kiện kéo dài, ngày 9-4-2012, tại Trại giam Gia Trung một cuộc họp đã được tổ chức, tham dự cuộc họp có Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, trưởng các phòng chuyên môn huyện; Chủ tịch UBND xã Ayun và đại diện của Giám thị Trại giam Gia Trung. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Ba-Giám thị Trại giam Gia Trung khẳng định: Quan điểm của Trại là giải quyết theo như kết luận tại cuộc họp ngày 9-4 vừa qua. Theo đó, số diện tích thuộc 38 ha đã trồng cây nông nghiệp yêu cầu nhân dân tự nhổ bỏ, trả lại đất cho Trại giam Gia Trung quản lý và thực hiện ý kiến đề xuất tại cuộc họp với UBND xã Ayun ngày 28-3-2012 của đồng chí Chủ tịch UBND huyện, Trại tiếp tục trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, không trồng cây công nghiệp dài ngày. Trại giam Gia Trung tiếp tục quản lý 38 ha, trồng cây nông nghiệp và báo cáo cấp trên giao lại cho địa phương quản lý và tiến hành các bước theo trình tự quy định của pháp luật trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước khẳng định của Trại (báo cáo cấp trên giao lại cho địa phương quản lý) và khẳng định của lãnh đạo xã Ayun là tiếp nhận xong sẽ giao đất lại cho người dân canh tác đã phần nào làm yên lòng các hộ dân có công khai hoang. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chưa thể an tâm vì trong biên bản làm việc ngày 9-4-2012 gửi về cho Trưởng thôn để thông báo kết quả làm việc đến người dân thì lại không có thời gian rõ ràng khi nào Trại giam Gia Trung báo cáo cấp trên và thời gian nào sẽ giao lại đất cho địa phương. Vì vậy, người dân rất mong muốn Trại giam Gia Trung xác định thời gian cụ thể để người dân không phải mỏi mòn chờ đợi.

Như Nguyện
 

Có thể bạn quan tâm