Kinh tế

Trên hành trình xây dựng và phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiền thân là Ban Tài chính Đảng, Ban Kinh-Tài, Ban Tài-Mậu, Ban Tài chính trong thời kỳ chiến tranh, đến nay, ngành Tài chính Gia Lai đã có một hệ thống các cơ quan tài chính gồm: Sở Tài chính, Thuế, Kho bạc, Hải quan và Chi cục Dự trữ Nhà nước. Chức năng của ngành đã được tăng cường, bao quát các hoạt động quản lý thu, chi ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý tài sản công, quản lý doanh nghiệp, quản lý xuất nhập khẩu… Bộ máy tài chính địa phương đã được mở rộng, từ cấp tỉnh, cấp huyện đến tận cấp xã. Đội ngũ cán bộ, công chức đến nay đã có gần 1.150 người, trên 3/4 đã tốt nghiệp đại học và hàng chục cán bộ có trình độ thạc sĩ.

Năm 1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, ngành Tài chính Gia Lai tiếp tục được củng cố và phát triển. Thu-chi ngân sách tăng trưởng liên tục với tốc độ nhanh, đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2006-2010 gấp hơn 3,4 lần so với giai đoạn 2001-2005. Đến năm 2014 thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.503 tỷ đồng, gấp 12,6 lần năm 2010. Chi ngân sách địa phương quản lý giai đoạn 2006-2010 gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2001-2005. Năm 2014, tổng chi ngân sách địa phương đã thực hiện trên 8.470 tỷ đồng đạt 113,4% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 122,6% đúng với định hướng, cơ cấu chi ngân sách, kịp thời chi trả các khoản chi thường xuyên theo chế độ, nhất là tiền lương, lương hưu, trợ cấp người có công và các chế độ chính sách hỗ trợ người nghèo, quốc phòng-an ninh, các nguồn quỹ dự phòng, dự trữ tài chính đều được bổ sung đảm bảo…

 

 

Tiềm lực tài chính địa phương ngày càng lớn mạnh, đã đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong những năm qua, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-chính trị trên địa bàn; cơ sở hạ tầng ở vùng đô thị, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được cải thiện đáng kể, tăng cường các nguồn lực thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.

Đạt được những thành tựu nói trên, trước hết là do toàn ngành đã thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng, về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì, bền bỉ, hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, lao động sáng tạo để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới quản lý kinh tế, tài chính. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cũng như xây dựng và phát triển, ngành đã tuân thủ triệt để phương châm khuyến khích sản xuất, thực hành tiết kiệm, khai thác tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, bố trí, sử dụng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để từng bước nâng cao hiệu quả của các nguồn tài chính. Biết dựa vào dân, bồi dưỡng và động viên tiềm lực trong dân.

Ghi nhận những thành tích của ngành trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tặng 2 Huân chương Giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Giải phóng hạng ba, 1 Huy chương Giải phóng hạng nhất, 8 Huân chương Lao động hạng ba, 2 Huân chương Lao động hạng nhì; Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh,... đã tặng nhiều cờ thi đua xuất sắc, nhiều bằng khen, nhiều huy chương vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam, phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp ngành cho nhiều cán bộ Tài chính.

 

Cục Thuế tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được, ngành Tài chính Gia Lai luôn trăn trở và nghiêm khắc tự kiểm điểm để thấy hết những yếu kém, bất cập, những thách thức trước đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là, nguồn lực tài chính địa phương còn thấp và chưa vững chắc để chủ động trong phân bổ, sử dụng, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào trợ cấp từ ngân sách trung ương; GDP bình quân đầu người thấp; khoảng cách thu nhập giữa các vùng vẫn còn lớn, hệ thống chính sách tài chính còn thiếu đồng bộ, chưa ổn định; hiệu quả sử dụng ngân sách và các nguồn tài nguyên của địa phương còn hạn chế; hệ thống kiểm tra, kiểm soát, giám sát chưa đủ mạnh; bộ máy tài chính đã từng bước được đổi mới, nhưng chưa khắc phục được tình trạng chồng chéo, tạo kẽ hở cho lãng phí, tiêu cực; một số ít cán bộ tài chính chưa thật sự trong sạch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp…

Trước những khó khăn, thử thách này, mỗi cán bộ, mỗi đơn vị sẽ tiếp tục quán triệt quan điểm tài chính là mạch máu của nền kinh tế, có vai trò thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bước vào giai đoạn mới, toàn ngành sẽ nỗ lực để khắc phục yếu kém, đẩy lùi những tiêu cực, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tài chính của giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu cụ thể, như phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 18,2%/năm, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 gấp 2,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ huy động bình quân vào ngân sách nhà nước đạt trên 12,5%. Chi ngân sách địa phương quản lý tăng bình quân 15%/năm. Tốc độ tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo tăng nhanh hơn tốc độ chi thường xuyên, để đến năm 2020, chi đầu tư phát triển chiếm 37% tổng chi ngân sách địa phương, chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo chiếm 48% tổng chi thường xuyên.

 

Ghi nhận những thành tích của ngành trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tặng 2 Huân chương Giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Giải phóng hạng ba, 1 Huy chương Giải phóng hạng nhất, 8 Huân chương Lao động hạng ba, 2 Huân chương Lao động hạng nhì; Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh,... đã tặng nhiều cờ thi đua xuất sắc, nhiều bằng khen, nhiều huy chương vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam, phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp ngành cho nhiều cán bộ Tài chính.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành Tài chính Gia Lai tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là, toàn ngành phải quán triệt đường lối của Đảng trong công tác tài chính, thực hiện tốt các chính sách, công cụ tài chính được quy định thống nhất trong cả nước; nghiên cứu, đề xuất thực hiện các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù phù hợp với đặc điểm của địa phương trong phạm vi pháp luật cho phép. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, chống quan liêu, tham nhũng, phiền hà sách nhiễu, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Hai là, tiếp tục đổi mới và cơ cấu lại ngân sách địa phương theo hướng tích cực, mở rộng phân cấp cho ngân sách cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Ba là, hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng đề án được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tận dụng cơ hội khai thác và phát huy mọi nguồn lực, mở rộng đầu tư phát triển kinh doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng đóng góp vào ngân sách nhà nước. Nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát và giám sát tài chính.

Bốn là, thực hiện tốt các bước cải cách hệ thống thuế, đảm bảo môi trường thuận lợi khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh. Hiện đại hóa công tác quản lý thuế, triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nộp thuế; hạn chế thất thu thuế ở mức thấp nhất, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước.

Nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát và giám sát tài chính. Từng bước cải cách lề lối làm việc, hiện đại hóa quy trình, thủ tục hải quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao với phương châm “Thuận lợi-Tận tụy-Chính xác”. Phối hợp tốt với cơ quan Thuế, Hải quan…, thực hiện có hiệu quả công tác ủy nhiệm thu thuế qua các ngân hàng thương mại và triển khai dự án “Hiện đại hóa quy trình quản lý thu, nộp thuế giữa cơ quan Thuế-Kho bạc-Hải quan-Tài chính” nhằm tập trung nhanh, đầy đủ và kịp thời mọi nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Kho bạc Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát chi theo Luật Ngân sách nhà nước, gắn với việc thực hiện Luật Phòng-chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ, đúng dự toán được duyệt, đúng quy chế chi tiêu, đúng tiêu chuẩn, định mức chế độ của Nhà nước.

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, xây dựng ngành Tài chính vững mạnh, cán bộ Tài chính trong sạch.

Nguyễn Dũng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính

Có thể bạn quan tâm