Phóng sự - Ký sự

Trên những ngả đường miền Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là miền Tây Nam bộ, một trong 3 Tây của cả nước (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ. Đặc biệt là bởi cả 3 miền tuy có nhiều tiềm năng song hiện vẫn còn nghèo, còn thiếu thốn về vật chất, cơ sở hạ tầng cần được đầu tư... Theo thống kê mới nhất, diện tích toàn vùng là 40.548 km2, với 17.330.900 dân.

Với tôi gần 20 năm mới trở lại miền Tây, cảm giác thật lâng lâng khó tả. Con đường thiên lý xưa bây giờ rộng và phẳng phiu như đại lộ, những cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, sông Hậu và các dòng chảy của Cửu Long như những chiếc cầu vồng tráng lệ. Đi đến đâu con đường và dòng kênh bên dưới cứ như nắm tay nhau, có lúc chạy đuổi nhau, quấn quýt không rời. Nếu như hai bên đường Tây Nguyên là rừng cao su, cà phê xanh sẫm thì nơi đây cảnh miệt vườn và sông nước cũng một màu xanh miên man.

 

Giao thông ở miền Tây. Ảnh: T.P
Giao thông ở miền Tây. Ảnh: T.P

Trên bến, dưới thuyền luôn đông đúc nhộn nhịp bởi những chiếc tàu lớn cứ lừ lừ tiến, những chiếc tắc ráng xé nước ào qua... Đám lục bình mải miết trôi. Nhà hai mặt, mặt trước hướng ra đường lớn và phía sau nhà cũng mở cửa nhìn ra sông cho ghe thuyền ghé lại mua bán, trao đổi hàng hóa. Và những chiếc xà lan neo đậu trên sông cũng là những “siêu thị” cung ứng nhiên liệu và lương thực, thực phẩm cho ghe thuyền.

Qua Cần Thơ. Cụm từ đô thị trung tâm người ta dành cho thành phố trực thuộc Trung ương được mệnh danh là Tây Đô, trung tâm kinh tế-xã hội của cả miền Tây Nam bộ quả không ngoa. Không chỉ có Trường Đại học Cần Thơ với tuổi đời 50 năm, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long 40 năm là nơi cung cấp nhân tài cho toàn vùng mà Cần Thơ còn có vai trò đầu mối của miền Tây Nam bộ với 107 chợ truyền thống, 12 siêu thị và trung tâm thương mại. Hệ thống giao thông thông suốt với các tuyến đường bộ, đường thủy và cả đường hàng không (sân bay Trà Nóc) nối các tỉnh trong vùng và cả nước. Du lịch cũng là thế mạnh của Tây Đô với các loại hình du lịch miệt vườn, đờn ca tài tử; tổ chức hội chợ... Người Cần Thơ biết trân trọng những gì cha ông đã dày công vun đắp và biết tôn tạo nó mà Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) là một ví dụ. Từ năm 2010 đến 2014 chính quyền địa phương đã đầu tư 60 tỷ đồng nâng cấp, xây dựng khu tưởng niệm trên 10.000 m2. Khu tưởng niệm đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, là biểu tượng giáo dục lòng yêu nước, sự ham học hỏi và thái độ sống khiêm nhường cho hậu thế noi theo.

Sáng lên chiếc tắc ráng xuôi về phía Cái Răng xem chợ nổi. Mới 5-6 giờ mà chợ đã đông. Những chiếc ghe, thuyền lớn nhỏ tấp nập cập vào nhau. Đủ các loại hàng nông sản mùa này như dưa hấu, nhãn, xoài, thanh long, chôm chôm... chất đầy trên thuyền. Cả những xuồng bán hàng ăn như mì, hủ tiếu, bún, cà phê, nước ngọt, cũng cặp vào tắc ráng của chúng tôi để chào bán. Mặt trời dần lên cao nhưng những chiếc thuyền chở du khách từ phía Cần Thơ vẫn còn nối đuôi nhau xuôi về chợ nổi.

Đến An Giang. Đây như một vựa lúa và vựa thủy sản của toàn vùng với 625.918 ha lúa, năng suất bình quân 64,68 tạ/ha (năm 2014) và sản lượng thủy sản lên đến 308.000 tấn, trong đó sản lượng cá tra đạt 236.000 tấn (năm 2014) chủ yếu xuất sang thị trường nước ngoài. An Giang là một trong những tỉnh đi đầu về mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích sản xuất 34.200 ha. Ngành du lịch ở đây phát triển mạnh với các điểm du lịch nổi tiếng như Núi Sam, Núi Cấm, di chỉ Óc Eo, kênh Vĩnh Tế, Khu Tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng... thu hút mỗi năm trên 5,7 triệu lượt khách, năm 2014 doanh thu đạt đến 365 tỷ đồng...

 

Ảnh: T.P
Ảnh: T.P

Từ An Giang đi dọc theo biên giới Việt Nam-Campuchia qua chợ Tịnh Biên, ngược về phía Tây đến vùng đất Kiên Giang thơ mộng. Là một điểm trong tứ giác Long Xuyên (Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá), Hà Tiên khiến những lữ khách như tôi không khỏi xao xuyến trước cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc. Chiều viếng khu mộ Mạc Cửu, tôi bỗng nhớ cảm giác cũng một buổi chiều như thế khi ghé thăm một nghĩa trang người Hoa ở ngoại ô thành phố cổ Malacka, Malaysia trên đường qua đảo quốc sư tử Singapore. Khu mộ này vào thời cuối Minh, đầu Thanh, những người Hoa cùng thời Mạc Cửu đã theo đường biển sang tận đây. Con cháu họ không biết bây giờ lưu lạc nơi đâu mà nghĩa trang lạnh lẽo, hoang tàn, hàng mộ chí lờ mờ, ngả nghiêng. Khu mộ Mạc Cửu ở Hà Tiên thì khác, nằm trên ngọn đồi đẹp trước mặt có hai hồ nước án ngữ, nhìn ra xa là biển, hàng ngày ấm cúng khói hương người đến thăm viếng. Thật đáng tự hào cho các thế hệ người Việt, luôn tỏ lòng tôn kính những người có công với đất nước mình, dẫu đó là người nước ngoài như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích hay Alexandre de Rhode...

Theo chuyến tàu thủy cao tốc xuất phát từ bến Hà Tiên, tôi ra thăm đảo Phú Quốc sau hải trình gần một tiếng rưỡi đồng hồ vượt sóng trên vịnh Thái Lan. Phú Quốc như viên ngọc trai đang được mài giũa để tỏa sáng! Thế mới biết mấy trăm năm trước tiền nhân chúng ta đã không quản hiểm nguy cưỡi thuyền ra biển mở cõi để đến nay Đảo Ngọc trở thành tâm điểm của giới đầu tư địa ốc trong phân khúc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, sân golf, khu vườn bách thú hoang dã Safari... Hiện số vốn đăng ký của hơn 200 dự án đầu tư vào đây lên đến 8 tỷ USD với các “đại gia” nổi tiếng như Vingroup, Sun Group... đều đã có mặt.

Ngay như nữ đồng nghiệp C.L. của chúng tôi trước đây công tác ở một văn phòng đại diện tại TP. Pleiku cũng đã tìm đường “xuống núi” ra Phú Quốc xây dựng trường học tư nhân để kinh doanh. Rất tiếc là thời gian lưu lại quá ngắn nên không thể liên lạc được với chị. Đất Phú Quốc tăng giá cao đến ngất ngưởng. Thị trấn huyện lỵ Dương Đông những vườn tiêu có tuổi đời hàng trăm năm, vài vạt rừng nguyên sinh cũng nhanh chóng biến thành đất thổ cư... Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc giờ cũng là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Trên đảo còn có những địa điểm thu hút du khách như Trại nuôi chó Phú Quốc, những chú chó đã được ghi tên vào các giống chó quý hiếm của thế giới, chúng có bờm và xoáy chạy dọc trên lưng, giỏi bơi lội và leo trèo; Trại ngọc trai...

Xin được nói thêm về những chiếc tàu cao tốc thuộc dòng Superdong qua lại giữa Hà Tiên, Rạch Giá và Phú Quốc. Chúng được đóng ở Malaysia đưa về đây hoạt động đã trên dưới 10 năm. Tàu thiết kế một thân, hai tầng, đạt vận tốc trung bình 27 hải lý/giờ, chở được 275 khách cùng hàng hóa, trên boong tàu có khoang ngắm cảnh và quầy phục vụ ăn uống. Với giá vé Hà Tiên-Phú Quốc 230.000 đồng/người và Phú Quốc-Rạch Giá 340.000 đồng/người, hàng ngày đội tàu 10 chiếc của hãng tàu này thu về khoản tiền không nhỏ. Dịch vụ vận tải đường biển xem ra thu lãi nhiều lần hơn vận chuyển đường hàng không vốn chi phí lớn.

Lên bến tàu Rạch Giá, tôi tạm biệt thành phố biển xinh đẹp này để sang Cà Mau. Con đường mới mở rộng thoáng và đẹp như đưa tôi đi trong mơ. Năm xưa từ Cà Mau chúng tôi phải mất gần 4 giờ đồng hồ lướt sóng sông Cửa Lớn trên chiếc vỏ lãi mới ra được Đất Mũi, bây giờ thì ung dung ngồi xe ô tô đến thị trấn Năm Căn mới xuống tắc ráng chạy hơn tiếng đồng hồ là đã có thể ngắm công trình đê chắn sóng và bia chủ quyền. Cư dân nơi đây thưa thớt và vẫn còn nghèo, vẫn những ngôi nhà chòi lửng lơ bên mép sông mặc sóng vỗ oàm oạp đêm ngày, rất nhiều nhà còn lợp lá dừa, chiếc xuồng ba lá neo bên dưới. Tuy nhiên cũng đã có những tín hiệu vui: người dân bắt đầu biết làm dịch vụ du lịch thông qua việc bán hàng, giới thiệu những sản vật tại chỗ như đũa đước, mật ong rừng, cá khô... vài nhà còn tổ chức phục vụ ăn uống với các món ăn truyền thống địa phương.

Tín hiệu vui ấy còn theo tôi ngược về Cồn Phụng của tỉnh Tiền Giang, hiện ra trong những ngôi nhà vườn mát rượi nhãn lồng và dừa. Đất nào, sản vật ấy: mật ong vườn nhãn, sữa ong chúa; kẹo dừa, dầu dừa và những hàng thủ công chế tác từ dừa; thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử. Rồi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ len lỏi giữa hàng dừa nước bên con mương để ra sông Tiền, lên thuyền lớn trở về thành phố Mỹ Tho...

Tạm biệt miền Tây tôi không sao quên được nỗi lo của những người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long khi năm nay đã vào cuối tháng 9 ta mà không mùa nước nổi. Nước nổi nghĩa là cá tôm về, là những mẻ lưới nặng trĩu cá linh, cá sặc, cá bống dừa, là bông điên điển, hẹ nước, là gỏi sầu đâu; là phù sa đầy đồng cho mùa lúa bội thu... Mùa nước nổi đã gắn liền với cuộc sống người miền Tây hàng mấy trăm năm qua như máu thịt. Trên chuyến xe ngược lên Tây Nguyên tôi mong sao dẫu muộn nhưng miền Tây mùa nước nổi sẽ lại về...

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm