35 năm sau ngày giải phóng, về lại xã căn cứ cách mạng Đất Bằng (huyện Krông Pa, Gia Lai), chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Con đường liên xã từ thị trấn Phú Túc vào xã Ia Mláh- Đất Bằng đang được ban rộng để đổ bê tông. Dòng nước thủy lợi Ia Mláh đã ngấp nghé đầu bờ ruộng. Những mái nhà sàn khang trang, nhà xây to đẹp nối tiếp chạy dọc hai bên đường.
Đường vào trung tâm xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Ảnh: Phương Đức |
Nằm cách trung tâm huyện Krông Pa khoảng 18 km về phía Đông Bắc, Đất Bằng là xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên 12.518 ha, trong đó đất rừng và đất lâm nghiệp 6.589 ha, đất sản xuất nông nghiệp 2.449 ha. Xã có 9 thôn buôn, với trên 3.844 người, (đồng bào dân tộc Jrai chiếm 95,5%). Những năm qua, Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư nhiều chương trình, dự án với nguồn vốn hàng chục tỉ đồng tại đây. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, trường lớp khang trang đến tận các thôn buôn, trạm y tế, trụ sở làm việc của xã, nhà văn hóa thôn buôn tương đối đầy đủ. Các chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người có công với nước, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế- xã hội.
Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền xã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu kinh tế nông nghiệp, được thay đổi từ nền sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, độc canh cây lương thực sang sản xuất cây hàng hóa. Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp mang tính đa canh, tập trung vào những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Cây thuốc lá vàng, mè, mì cao sản, bắp lai, và đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, phát triển mạnh đàn đại gia súc như: Bò, dê… Chính quyền cùng với các cấp, các ngành chuyên môn, tập trung hướng dẫn đồng bào địa phương sử dụng các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Năm 2009, xã có tổng diện tích cây trồng trên 2.202 ha, trong đó mì 450 ha, bắp 460 ha, lúa 335 ha, thuốc lá 40 ha... Ngoài ra, các loại cây trồng khác như: Mè, dưa lấy hạt và cây lâm nghiệp cũng phát triển đa dạng... Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2009 của xã là 1.786 tấn, bình quân lương thực đạt 446,5 kg/ người/năm. Tổng đàn bò trên 5.200 con (trong đó bò lai chiếm 9%), đàn trâu 107 con, đàn dê 550 con, đàn heo 850 con và tổng đàn gia cầm là 3.300 con... Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Đất Bằng đã xóa được đói giảm được nghèo, có nhiều hộ vươn lên thành triệu phú và hàng chục mô hình kinh tế hộ gia đình có thu nhập trên 50 triệu đồng/ha.
Ông Phan Vũ Hưng- Chủ tịch UBND xã, hồ hởi cho biết: “Đã qua rồi cái thời phát-đốt-chọc-trỉa, người dân Đất Bằng hôm nay đã áp dụng cơ khí vào hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Điện lưới quốc gia đã được kéo về tất cả các thôn buôn, giao thông đi lại thông suốt, ô tô đi vào tận các thôn buôn. Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn xã phát triển đa dạng và phong phú, các mặt hàng phục vụ cho đời sống nhân dân được trao đổi mua bán đến tận thôn buôn và hộ gia đình, hàng hóa, sản phẩm nông dân làm ra được mua bán với giá cả hợp lý, không còn nạn tư thương ép giá. Các loại dịch vụ như vận tải hàng hóa, dịch vụ sửa chữa máy móc phương tiện, dịch vụ ăn uống cũng được phát triển mạnh và đều khắp ở các thôn buôn, qua đó đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn xã. Nếu như năm 2005, tỷ lệ đói nghèo của xã là trên 50%, đến cuối năm 2009 tỷ lệ này giảm xuống dưới 30%. Nhiều hộ trong xã đã mua sắm được những vật dụng đắt tiền như: Ti vi, tủ lạnh, xe máy, máy cày, xe tải…”.
Cũng theo báo cáo của UBND xã, tỷ lệ huy động trẻ em đúng độ tuổi đến trường của xã đạt trên 95%/năm. Đội ngũ giáo viên tăng hàng năm về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất, trang- thiết bị, trường lớp được đầu tư phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Xã đã được đầu tư xây dựng 1 trạm thu phát lại truyền hình, 1 trạm truyền thanh không dây phủ sóng phát thanh- truyền hình hầu hết các khu dân cư, báo Đảng địa phương cũng đến được tay đồng bào vùng sâu, vùng xa… tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các thông tin thời sự và tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật. Cán bộ y tế xã thường xuyên xuống các thôn buôn để khám-chữa bệnh và tuyên truyền cho nhân dân biết ăn ở hợp vệ sinh, làm chuồng trại cách xa nhà ở, không nhốt gia súc dưới sàn nhà, ngủ có màn, ốm đau đi khám và điều trị, nên nhiều năm qua trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh ở người.
Ảnh: Phương Đức |
Đảng bộ đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị các cấp đến tất cả cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong xã. Nhờ đó, hầu hết cán bộ, đảng viên và đa số nhân dân đều nắm được những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hệ thống chính trị của xã cũng được kiện toàn củng cố hàng năm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và đảng viên ngày được nâng cao. Trong 5 năm qua, Đảng bộ xã đã kết nạp được 24 đảng viên mới, thành lập mới 5 chi bộ. Đến nay, 100% thôn buôn của xã đã có chi bộ đảng, nhiều năm liền Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh.
Về Đất Bằng hôm nay, chúng ta ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng đất anh hùng. Đồng chí Kpă Lim- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cuối năm 2010, công trình thủy lợi Ia Mláh hoàn thành sẽ tưới nước cho vùng đất khát này, góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào, tăng năng suất cây trồng và góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn. Trong tương lai, Đất Bằng sẽ trở thành một vựa lúa trù phú của vùng “đất khát” Krông Pa.
Phương Đức