Kinh tế

Triển khai bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trung tuần tháng 9-2013, Ngân hàng Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (VDB Gia Lai) triển khai thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để được bảo lãnh vay vốn thì doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp và không có nợ xấu tại các ngân hàng thương mại...

Bảo lãnh vay vốn cho DNNVV là một trong các loại hình tín dụng của VDB Gia Lai và đã được ngân hàng thực hiện kể từ năm 2009 theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV. Dưới sự hỗ trợ của VDB Gia Lai, đã có gần 20 DNNVV không có tài sản thế chấp vay trên 300 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn.

 

 

Mặc dù số DN được bảo lãnh không nhiều nhưng hiệu quả từ hoạt động này đã phần nào đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đầu tư phát triển hoạt động sản xuất-kinh doanh, góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế-xã hội. Cho tới cuối năm 2012, dư nợ cho vay thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh tại VDB Gia Lai chỉ còn 7,128 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ thì việc VDB triển khai thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ các DNNVV vay vốn tại các NHTM được xem là tín hiệu đáng mừng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tạo điều kiện cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo Quy chế bảo lãnh được ban hành tại Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg thì các DN (trừ DN siêu nhỏ) thực hiện dự án sản xuất kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực: nông-lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; xây dựng; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi là đối tượng được VDB bảo lãnh vay vốn trung-dài hạn bằng đồng Việt Nam.   

 

Ảnh: Minh Thi

Để được VDB thực hiện bảo lãnh, bên cạnh các điều kiện ràng buộc chặt chẽ như: Có dự án đầu tư hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay, có tối thiểu 15% vốn đối ứng của chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư và tại thời điểm bảo lãnh DN không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thì DN bắt buộc phải áp dụng biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp bảo đảm bảo lãnh và các biện pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Đây là một điểm mới so quy định bảo lãnh năm 2009- DNNVV không có tài sản thế chấp. Khi DN đáp ứng đủ điều kiện được bảo lãnh, VDB Gia Lai có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của DN (tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư dự án), đồng thời mức bảo lãnh vay cho một DN tối đa không vượt quá 5% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng Phát triển.

Trong trường hợp NHTM giải ngân vốn vay cho DN không đúng mục đích sử dụng vốn vay ghi trong hợp đồng tín dụng hoặc DN sử dụng vốn vay, tài sản hình thành vốn vay không đúng mục đích và NHTM chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay đối với DN thì VDB được từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Hiện nay, trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai tham gia phối hợp với Sở Tài chính xúc tiến thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Với hơn 2.000 DNNVV đang hoạt động trên địa bàn, việc hình thành song song 2 cơ chế bảo lãnh tín dụng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ DNNVV mở rộng tín dụng, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm