(GLO)- Chiều 9-11, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cùng đại diện một số sở, MTTQ Việt Nam tỉnh, hội đoàn thể liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Sơn Ca |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã đánh giá cao Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã tích cực, kịp thời triển khai thực hiện các chính sách cho vay hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 10-2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân được 750 tỷ đồng cho vay trả lương ngừng việc. Trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục phòng-chống dịch, nỗ lực phục hồi kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn đối với những quy định trước đó về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, giúp người lao động, người sử dụng lao động thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ này (người sử dụng lao động được nới lỏng hơn trước khi bỏ điều kiện về nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh khi có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm đề nghị vay vốn. Đối với vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động cần có thêm phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh).
Đồng thời, trong vòng 4 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ vay vốn của khách hàng, Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay thực hiện giải ngân tới khách hàng. Việc giải ngân được thực hiện đến hết ngày 5-4-2022 hoặc khi giải ngân đến 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: Hiện nay, tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận trên 15.000 người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về, trong đó, tỷ lệ lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, đối với số người lao động không có hợp đồng, tỉnh đã chi hỗ trợ 36 tỷ đồng. Trên tinh thần triển khai thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đối tượng được hỗ trợ. Liên quan đến nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, Gia Lai đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm đề xuất Chính phủ tạo điều kiện bổ sung thêm nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh triển khai cho vay, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
SƠN CA