(GLO)- L.T.S: Ngày 29-11, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Phạm Huy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về những nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền và đưa văn bản luật quan trọng này vào cuộc sống.
Ảnh: Thanh Nhật |
- P.V: Thưa ông, những điểm mới cần quan tâm trong Luật Đất đai sửa đổi là gì?
Ông Phạm Huy Du: Luật đã bổ sung về điều tra, đánh giá đất đai để thực hiện đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; đánh giá thoái hóa đất và ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp, theo dõi biến động đất đai, xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất. Trong công tác kiểm kê, thống kê đất đai bổ sung nội dung kiểm kê đất đai chuyên đề, quy định thêm trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Việc quy định đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý là bắt buộc kể cả đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quy định thời hạn bắt buộc đăng ký đất đai. Bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động. Quy định đăng ký đất đai được thực hiện bằng hình thức trên giấy và bổ sung quy định đăng ký trên mạng điện tử và đều có giá trị pháp lý như nhau. Quy định các trường hợp kê khai đăng ký đều được ghi vào sổ địa chính, nếu không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn được tạm thời sử dụng đến khi Nhà nước có quyết định xử lý. Việc quy định đăng ký điện tử sẽ góp phần tích cực vào cải cách hành chính và tránh được nhũng nhiễu, phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký.
Luật đã bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người một giấy chứng nhận hoặc cấp chung một giấy chứng nhận. Trường hợp là tài sản chung của vợ và chồng thì giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng. Nếu giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu. Quy định cụ thể hơn những trường hợp sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận, cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có và không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Đặc biệt, Luật Đất đai 2013 đã giao Chính phủ quy định các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15-10-1993 được xét cấp giấy chứng nhận nhằm giải quyết những vướng mắc trên thực tiễn.
Về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phải đảm bảo theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, những trường hợp không nằm trong kế hoạch sử dụng đất thì không được thực hiện. Thu hẹp các đối tượng giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất và cơ bản chuyển sang thuê đất nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, mở rộng đối tượng thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Luật quy định bổ sung về điều kiện được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng, khu vực biên giới, biển và hải đảo. Kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp lên 50 năm nhằm khuyến khích người sử dụng đất đầu tư vào đất.
Giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận “Một cửa hiện đại” của TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật |
Luật còn quy định mới về hệ thống thông tin đất đai, hình thành khung pháp lý để xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đất đai của mọi người dân. Hệ thống thông tin đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu và phục vụ các dịch vụ công trực tuyến. Quy định quyền tiếp cận thông tin về đất đai của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai ở địa phương, cung cấp dữ liệu đất đai cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia.
Luật quy định chặt chẽ hơn và thu hẹp các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được HĐND tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất mới được thực hiện...
- P.V: Sở Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Đất đai sửa đổi như thế nào?
Ông Phạm Huy Du: Luật Đất đai năm 2013 chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2014. Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo và lấy ý kiến đóng góp các nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Tại Gia Lai, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung việc nghiên cứu các nghị định hướng dẫn và tình hình thực tế của địa phương, những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2003 để tham gia góp ý các dự thảo nghị định. Lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Tập trung nghiên cứu Luật Đất đai, các dự thảo Nghị định để chuẩn bị dự thảo các quyết định, quy định thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để tiến hành lấy ý kiến và tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời áp dụng khi Luật và các nghị định có hiệu lực thi hành. Lập kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở ngành liên quan tiến hành phổ biến Luật Đất đai và các nghị định khi được Chính phủ ban hành. Chuẩn bị các tài liệu hướng dẫn để cung cấp các địa phương tổ chức phổ biến tại địa phương.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định việc triển khai công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện Luật Đất đai mới là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014. Do vậy cần có sự chuẩn bị chu đáo, cùng sự phối hợp tham gia của MTTQ và các đoàn thể, các cơ quan, ban ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng. Đồng thời, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, trình độ và điều kiện của từng địa phương.
- P.V: Cảm ơn ông!
Thanh Nhật (thực hiện)