Kinh tế

Triển vọng Chư Đăng Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chư Đăng Ya-một xã thuộc diện kho khăn của huyện Chư Pah với 460 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%; số hộ nghèo theo tiêu chí mới chiếm 59,2% đang có cơ hội thoát nghèo, tiến tới xây dựng cuộc sống no đủ từ kết quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là việc mạnh dạn nhân rộng diện tích trồng mía.

Ông Hà Công Thọ-làng Ya nhớ lại: Hơn 10 năm trước, cây mía đã có mặt ở Chư Đăng Ya, diện tích gần 50 ha được trồng theo kiểu tự phát. Vụ thu hoạch năm ấy không bán được, nông dân chặt mía bỏ bờ ruộng, nhiều hộ phải bán đất lấy tiền trả nợ đầu tư. Cây mía thoát khỏi cơ cấu cây trồng của xã từ dạo ấy. Đến năm 2011, khi Nhà máy Đường Kon Tum đặt vấn đề đầu tư, thu mua, cây mía chính thức trở lại đồng ruộng, tổng diện tích trồng mới 150 ha, vượt 105 ha so với kế hoạch. Vụ thu hoạch mía vừa rồi, năng suất mía bình quân đạt 80 tấn/ha, giá mía 1.000 đồng/kg tại ruộng, người trồng mía lời không dưới 40 triệu đồng/ha.

Ảnh: Hoài Lâm

Lợi nhuận từ cây mía niên vụ qua đã hình thành phong trào chuyển diện tích các loại cây trồng giá trị kinh tế thấp, nhất là diện tích trồng mì sang trồng mía. Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya-ông Nguyễn Văn Thuận cho biết, để đảm bảo thời vụ trồng mới năm 2012, nhiều hộ dân tiến hành thu hoạch mì sớm hơn chu kỳ sinh trưởng, để giải phóng đất trồng mía. Kết quả của quá trình chuyển dịch cây trồng mạnh mẽ đưa tổng diện tích trồng mía trên địa bàn xã đạt 280 ha; trong đó diện tích mía trồng mới năm nay chiếm 130 ha, vượt 50 ha so với kế hoạch huyện giao. Đồng hành với người trồng mía, Nhà máy đường Kon Tum hỗ trợ cho họ 30% tiền giống và 5 triệu đồng tiền mặt; nâng tổng mức đầu tư không hoàn lại cho 1 ha mía trồng mới trên 9 triệu đồng. Ứng trước tiền cho dân để đầu tư làm đất, cấp phân và thu hồi vốn bằng nguyên liệu theo phương thức, vụ thu hoạch đầu tiên thu hồi 50%; phần còn lại sẽ thu trong niên vụ tiếp theo. Cùng với cơ chế đầu tư trên, Nhà máy Đường Kon Tum còn hỗ trợ kịp thời cho nông dân tiền mua dầu bơm nước tưới một số diện tích mía trồng mới năm nay chậm phát triển do thiếu nước.

Theo nhìn nhận của lãnh đạo xã Chư Đăng Ya, với cơ chế đầu tư và nguồn lợi từ trồng mía mang lại, hiện còn rất nhiều hộ dân muốn được đầu tư trồng mía. Ngặt nỗi, quỹ đất trồng mới không còn nên diện tích mía trên địa bàn chỉ dừng lại ở con số nhất định. Hiện tổng quỹ đất sản xuất của xã là 846 ha, có đến 2/3 diện tích trồng bắp, mì, lúa rẫy, lúa nước, rau đậu các loại; 1/3 diện tích canh tác còn lại trồng cây bời lời, dong riềng, cà phê,
hồ tiêu.

Cây mía trên đất Chư Đăng Ya tiếp tục mở rộng diện tích là thực tế đã được dự báo. Câu hỏi đặt ra là làm gì để cây mía phát triển bền vững. Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya-ông Nguyễn Văn Thuận khẳng định, lãnh đạo xã đã làm việc với đơn vị đầu tư, thu mua nguyên liệu mía là Nhà máy Đường Kon Tum về việc tiêu thụ mía cho nông dân. Theo đó, xã sẽ tạo điều kiện cho đơn vị đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với điều kiện Nhà máy phải ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người trồng mía. Đến nay, Nhà máy Đường Kon Tum đã ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ diện tích mía trên địa bàn xã đến năm 2013, giá bao tiêu là 1.000 đồng/kg mía tại ruộng chưa tính cước vận chuyển. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục làm việc với đơn vị thu  mua nguyên liệu mía để thống nhất giải pháp tiêu thụ nguyên liệu mía khi diện tích mía trên địa bàn xã phát triển mạnh.

Sự hiện diện của cây mía kết hợp với cơ cấu cây trồng đã khẳng định được giá trị lợi nhuận như dong riềng, cà phê, bí đỏ, khoai lang, lúa nước và chủ trương khuyến khích phát triển cây hồ tiêu của lãnh đạo xã Chư Đăng Ya, phần nào định hình cơ cấu cây trồng chủ lực trên địa bàn. Chính cơ cấu cây trồng hàng hóa mang lại thu nhập cao trên là cơ hội để nông dân xã Chư Đăng Ya thoát nghèo, tiến tới làm giàu bền vững.

Quang Văn-Hoài Lâm
 

Có thể bạn quan tâm