Tây Nguyên mùa này đầy nắng và gió. Những cánh rừng bạt ngàn cao su đâm chồi nẩy lộc, nhiều loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Đặc biệt, xứ sở cà phê của vùng đất đỏ bazan đang vào mùa bung hoa trắng muốt, tỏa hương thơm quyến rũ các loài ong từ muôn nơi tìm về làm nên vị ngọt cho đời.
Từ địa lợi ở vùng Bắc Tây nguyên
Một ngày đẹp trời, trên quốc lộ 14, chúng tôi liên tiếp bắt gặp từng đoàn xe tải (mang biển số các tỉnh vùng Đông Nam bộ) chở đầy ắp những thùng ong, can nhựa, thùng phuy (dùng để đựng mật) nối đuôi nhau “hành quân” lên Tây Nguyên.
Ông Trịnh Thế Lương và đàn ong của mình. Ảnh: Ngọc Linh |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Xí nghiệp Ong Gia Lai (thuộc Công ty cổ phần Ong Trung ương) cho biết: “Phong trào nuôi ong mật đang ngày càng phát triển mạnh ở tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.
Đặc biệt từ năm 2008, chúng tôi đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong, khai thác, chế biến mật ong xuất khẩu tại tỉnh Gia Lai” do đó chất lượng đàn ong ở địa phương được nâng lên vượt bậc, nhiều hộ nuôi ong đã “phất” lên từ nghề này.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 600 hộ nuôi ong với tổng số 80.000 đàn, sản lượng hàng năm khoảng 7.000 tấn mật (tương đương 210 tỷ đồng), trong đó hơn 4.000 tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với nhiệm vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, Xí nghiệp Ong Gia Lai còn cung cấp con giống cho cả khu vực Tây Nguyên.
Điển hình như ông Lê Văn Dân (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) tham gia dự án và cùng tổ kinh doanh mật ong ở các huyện Ia Grai và Đức Cơ thành lập một công ty xuất nhập khẩu mật ong, xây dựng nên thương hiệu “Mật ong Gia Lai”. Công ty này có hơn 10.000 thùng ong Ý chất lượng cao. Năm ngoái, Công ty đã sản xuất và thu mua, chế biến xuất khẩu sang các nước Đông Âu được trên 300 tấn mật, trị giá gần chục tỷ đồng.
Đặc biệt trong nghề nuôi ong ở Gia Lai, người Bahnar ở xã Krong (huyện Kbang) lại “nuôi” ong trong rừng. Theo kinh nghiệm đi rừng từ ông cha truyền lại, ngoài việc làm tổ treo trên cây, loài ong thích làm tổ trong các hốc cây cổ thụ, nhiều mật (người địa phương gọi đó là “lỗ ong”). Vì vậy, hàng năm bà con vào rừng quét dọn sạch sẽ những hốc cây đó để đến tháng 3, chờ ong về làm tổ.
Ông Đinh Ních-Chủ tịch UBND xã Krong, cho biết: Công việc nuôi ong trong rừng đã trở thành nghề truyền thống của người Bahnar ở địa phương. Hiện người dân trong xã đang quản lý vài ngàn tổ ong trong rừng. Hộ nhiều nhất có đến hàng trăm lỗ ong, mỗi mùa thu được cả tạ mật ong rừng nguyên chất. Loại mật này giá cao gấp hàng chục lần so với mật ong nuôi. Mặc dù ong làm tổ và cho mật hoàn toàn tự nhiên trong rừng, nhưng tất cả đều đã có chủ, không hề có sự tranh chấp, trộm cắp của nhau.
Đến cách làm hay ở Nam Tây Nguyên
Liền kề với Gia Lai là tỉnh Đak Lak, nơi nghề nuôi ong cũng khá phát triển. Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Tấn Lực-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ong mật Đak Lak và được biết: Hiện đơn vị quản lý trên 180.000 đàn ong, đồng thời liên kết với trên 1.000 nông hộ trong tỉnh cùng nuôi ong lấy mật. Riêng năm 2010, sản lượng mật ong của tỉnh Đak Lak đạt khoảng 8.500 tấn. Bộ Công thương cấp giấy phép xuất khẩu trực tiếp từ 3.500 đến 4.000 tấn mật ong sang thị trường các nước Âu, Mỹ với thương hiệu “Dak-honey”.
Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, mới đây, tỉnh Đak Lak đã thành lập Liên minh sản xuất ong mật với sự hợp tác giữa Công ty cổ phần Ong mật Đak Lak cùng 120 hộ nuôi ong ở TP. Buôn Ma Thuột và thị trấn Quảng Phú (huyện Chư M’Nga, Đak Lak). Với số vốn ban đầu gần 7,6 tỷ đồng, 7.200 đàn ong của các hộ tham gia trong liên minh sẽ được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật tiên tiến. Công ty sẽ hướng dẫn nông dân áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá đã được bảo hiểm. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm mở rộng quy mô ngành nghề nuôi ong ở địa phương, để con ong Đak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung cất cánh bay cao, bay xa hơn, đem lại nhiều mật ngọt cho đời.
Ngọc Linh