Kinh tế

Nông nghiệp

Triển vọng từ giống lúa Ma Lâm 48 ở Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Phú Thiện có trên 6.000 ha đất ruộng gắn với đó là sự hiện diện của công trình đại thủy nông Ayun Hạ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa nước ăn chắc.

Dù vậy, mấy năm gần đây, năng suất và chất lượng hạt lúa trên địa bàn tăng chưa cao và thiếu tính bền vững do người dân sử dụng đại trà giống lúa Q5 có chất lượng hạt gạo khô, ăn không ngon, bán giá thấp. Ngoài ra, vẫn còn nhiều trường hợp người dân sử dụng lúa thịt làm lúa giống để gieo trồng đã làm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế giảm và thường bị sâu bệnh.

 
Giống lúa Ma Lâm 48 trên cánh đồng Phú Thiện. Ảnh: Đ.P

Để khắc phục tình trạng đó, trong vụ mùa 2012, UBND huyện Phú Thiện triển khai dự án phổ cập giống lúa Ma Lâm 48 kết hợp quy trình sản xuất 3 giảm, 3 tăng (ICM) cho người dân 5 xã, thị trấn. Từ kinh phí 300 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã mua 190 kg lúa giống Ma Lâm 48 xác nhận về cấp cho nông dân gieo sạ. Có 260 hộ dân ở 4 xã gồm: Ia Hiao, Ia Piar, Ia Ake, Ia Yeng và thị trấn Phú Thiện tham gia dự án trên diện tích 130 ha (mỗi xã gieo trồng 20 ha, riêng xã Ia Yeng trồng 50 ha).

Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức 6 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo quy trình 3 giảm, 3 tăng (ICM) cho các hộ tham gia dự án. Trong suốt vụ mùa, Phòng cử cán bộ kỹ thuật theo sát nông dân để hướng dẫn cách thức chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Nhờ đó, sau 95 ngày sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay bà con đã hoàn thành việc thu hoạch, năng suất bình quân đạt 6,5 tạ đến 7,7 tạ/sào, cao hơn hẳn diện tích ruộng lúa đối chứng (6 tạ/sào).

Không chỉ người Kinh mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thấy được hiệu quả của mô hình cũng tự nguyện tham gia dự án trồng lúa giống mới Ma Lâm 48. Trong khuôn khổ dự án đã có 147/260 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Ông Rơ Chăm Hon-xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thiện cho biết: Giống lúa Ma Lâm 48 xác nhận được cấp không theo tiêu chuẩn 13 kg/sào, đỡ tốn tiền mua lại có thể sử dụng để sản xuất lúa giống cho 2 vụ tiếp sau nữa. Áp dụng quy trình kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng nên nông dân được lợi nhiều thứ. Trước đây gieo sạ 18-20 kg giống/sào, giờ giảm xuống còn 13 kg/sào. Phân bón NPK cũng giảm xuống một nửa (từ 20 kg/sào xuống còn 10 kg), giảm cả lượng thuốc bảo vệ thực vật nữa. Ruộng lúa gieo sạ thưa hơn đỡ tốn giống mà cây lúa vẫn phát triển tốt, năng suất đạt 8 tạ/sào (trước đây chỉ đạt 6 tạ/sào).

Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn Thanh Trang, xã Ia Piar phấn khởi nói: Nhà tôi trồng 7 sào lúa, có 3 sào trồng giống lúa Ma Lâm 48 trong dự án và 1 sào tự mua lúa giống trồng thêm ngoài dự án. So với 3 sào khác trồng giống lúa Q5 thì giống lúa Ma Lâm 48 có sản lượng thấp hơn nhưng giá bán cao hơn. Đặc biệt, lúa Ma Lâm 48 dễ bán và không bị thương lái ép giá. Còn ông Ksor Dương-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì cho biết: “Giống lúa Ma Lâm 48 cho chất lượng hạt gạo sáng bóng, thơm ngon hơn. Lượng lúa giống Ma Lâm 48 cấp xác nhận được sản xuất ra trong vụ mùa này là nguồn lúa giống trong các vụ tiếp theo. Đây là bước đi vững chắc nhằm xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao của Phú Thiện”.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm