Kinh tế

Triệu phú 8X

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng cử nhân ngành Thư viện học tại Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn, ra trường gắn bó với công tác Đoàn, khó ai ngờ Nguyễn Chí Nguyên (SN 1987) lại có thể “làm nên chuyện” ở một lĩnh vực chả mấy ăn nhập: ươm cây giống.

Nguyên hiện là chuyên viên công tác tại Huyện đoàn Ia Grai. 28 tuổi, Nguyên đã tạo lập cho mình một cơ ngơi ban đầu khá ổn định với nguồn thu 250-300 triệu mỗi năm từ chính đôi bàn tay và khối óc, sự dám dấn thân của mình. Sôi nổi, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ với một thái độ nghiêm túc, dứt khoát và ham học hỏi là những ưu điểm bất cứ người nào cũng đều có thể nhận thấy khi tiếp xúc với cậu thanh niên này.

Khởi nghiệp từ… 20 triệu đồng

 

Nguyên đang chăm sóc vườn cây bơ giống ghép. Ảnh: Lê Hòa

Vừa hết giờ làm việc ở cơ quan, thay vì ghé đâu đó uống ly nước mát hàn huyên với bạn bè hay làm vài đường món thể thao cho giãn gân cốt như những cậu thanh niên độc thân dư dả thời gian, Nguyên chạy ù về nhà, tranh thủ tưới tắm, kiểm tra những cây giống vừa mới ghép. Ngay cả bộ quần áo trên người cũng chẳng kịp thay. Chỉ tay vào luống cây bơ, Nguyên giải thích: “Đây là những cây mình mới ghép giống. Khoảng một tuần thôi là sẽ cây sẽ lên chồi đẹp. Gần đây nhu cầu cà phê, tiêu, cao su giống đã bão hòa, thay vào đó, nhu cầu các loại giống cây ăn trái khá mạnh nên mình đang tập trung chuẩn bị cây giống cho mùa mưa tới”.

Nguyên chia sẻ, lý do đến với nghề tay trái này khá đơn giản và không kém phần thức thời, hợp lý: “Xuất phát từ thực tế địa phương mình, nhu cầu cây giống của bà con rất cao trong khi chất lượng cây giống ngoài thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều người mua phải giống cây chất lượng kém, tốn công sức chăm sóc nhưng hiệu quả đem lại không cao. Từ đó, mình nảy ý định bắt đầu tìm hiểu và thực hiện ươm cây giống, cung cấp cho bà con”.

“Sinh sau đẻ muộn” so với các trại cây giống khác, lại là dân “ngoại đạo”, chẳng tí ti chuyên môn về làm cây giống, Nguyên và người bạn đồng hành-anh Ngô Trác Lâm, vốn là kỹ sư thú y-gặp không ít khó khăn. “Trong tay không có vốn, chưa kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và khó nhất là làm sao để lấy được niềm tin của bà con dành cho sản phẩm mình cung cấp trong điều kiện mình chưa từng qua bất cứ trường lớp đào tạo gì liên quan đến nông nghiệp. Nhưng, việc khó không nhưng không gì là không thể, mình bắt tay vào làm với quan niệm, làm sao đó bằng chính chất lượng để thuyết phục người dân”-Nguyên, chia sẻ.

Nghĩ là làm, năm 2012, Nguyên mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách của huyện Ia Grai từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho cán bộ, công nhân viên chức. Nguyên cùng bạn lên ý tưởng, bắt đầu học hỏi từ mạng internet, đọc tham khảo trên sách báo và đến tận viện cây giống Ea Kamat để mua hạt giống chuẩn về ươm. Vườn ươm cây giống Lâm Nguyên ra đời. Ban đầu, Nguyên chỉ ươm những cây công nghiệp phổ biến như: tiêu, cà phê..., dần dần bám theo nhu cầu thị trường, anh thực hiện ghép các loại cây ăn quả như: chôm chôm, bơ, sầu riêng… để bán. Chỉ sau hơn 2 năm gầy dựng, hiện tại, vườn ươm với quy mô trên 13.000 cây giống, cung ứng cho thị trường huyện Ia Grai và các vùng lân cận đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nông dân...

Cán bộ Đoàn “đa-zi-năng”

 

Nguyễn Chí Nguyên chăm sóc cho vườn ươm cà phê. Ảnh: Lê Hòa

Có một câu chuyện khá thú vị về hành trình khởi nghiệp của Nguyên, đó là anh đã… giấu bố mẹ khi quyết định mở trại ươm giống. “Nhà mình chỉ cách cơ quan 7 km, bình thường cứ cuối tuần mình lại chạy về nhà giúp đỡ việc vườn tược cho bố mẹ. Khi mở vườn ươm, 2 tháng liền mình không về thăm nhà được một lần. Bố mẹ thấy khó hiểu và gặng hỏi, mình mới dám thú thật… Mình dự tính khi công việc ổn thỏa sẽ nói với bố mẹ, để ông bà khỏi lo. Biết chuyện bố mẹ cũng giận nhưng rồi thương con nên động viên và thông cảm cho con hết lòng. Đó cũng là động lực giúp mình vững tâm hơn”-Nguyên tâm sự.

Là một cán bộ Đoàn, quỹ thời gian hạn hẹp, chưa kể thường xuyên phải đi công tác xuyên ngày đêm, đó cũng là thử thách không nhỏ đối với việc đảm bảo hoàn thành tốt cả “hai tay”. “Ươm cây giống không thể chờ mình rảnh mà tới giờ, tới ngày là phải làm. Có những ngày mưa, hai đứa phải mặc áo mưa ra làm. Làm tối, sớm là chuyện bình thường”- Nguyên kể.

Trời không phụ lòng người thanh niên có chí, vườn ươm cây giống của Nguyên ngày càng được bà con nông dân trong vùng tin tưởng lựa chọn. Ngoài cung cấp cây giống, anh còn cung cấp cho bà con các vật tư đi kèm, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Mô hình vườn ươm cây giống không những giúp anh thu về lợi nhuận trên 250 triệu đồng mỗi năm mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 đoàn viên, thanh niên với mức lương 4-7 triệu. Thời kỳ cao điểm, có lúc anh phải huy động khoảng 10 lao động là đoàn viên thanh niên. Nguyên luôn nuôi một dự định trong tương lai sẽ phát triển kinh tế bằng nông nghiệp theo mô hình vườn-ao-chuồng với quy mô và sự đầu tư bài bản, khoa học.

Với những thành công đã đạt được, năm 2014, Nguyên vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về điển hình Thanh niên sản xuất kinh tế giỏi. Bên cạnh đó, Nguyên còn là một cán bộ Đoàn năng động, nhiệt tình, là người đi đầu trong các hoạt động Đoàn và phong trào thanh-thiếu nhi của địa phương. Nói về kinh nghiệm vượt khó làm giàu của bản thân, Nguyên chia sẻ: “Phải dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận và chịu học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cũng như cần có sự nhạy bén là chúng ta có thể thành công”.
… Hy vọng rằng, tiếp nối những thành công ấy, Nguyên sẽ tiếp tục phát huy và gặt hái nhiều thành công hơn nữa, trở thành người tiếp bước, truyền lửa cho thế hệ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn mạnh dạn hơn, dám nghĩ, dám làm để đạt được thành công.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm