Phóng sự - Ký sự

Triệu phú chân đất- Bản lĩnh và niềm tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họ trẻ, có tri thức, khát vọng làm giàu và đã gặt hái được những thành công, trở thành những nông dân triệu phú. “Mùa” giải thưởng Lương Định Của năm nay, Gia Lai có 6 người đã được vinh danh.
Tay trắng khởi nghiệp
Sinh ra trên vùng đất màu mỡ, từ nhỏ, chàng trai Jrai Kpuih Lin, làng Nẽh, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông mơ ước sẽ có một trang trại cho riêng mình. Ấp ủ ước mơ rồi biến nó thành hiện thực, với Lin, là một câu chuyện dài. “Mình cứ thắc mắc là tại sao tài nguyên đất đai rộng lớn, khí hậu thích hợp như thế mà dân làng mình cứ nghèo”- Lin chia sẻ. Khi đã có hiểu biết nhất định, Lin tìm được câu trả lời cho mình.

6 nhà nông trẻ tiêu biểu của tỉnh được trao tặng giải thưởng Lương Định Của 2011. Ảnh: H.N
“Báo chí đã mang đến cho mình nhiều kiến thức nghề nông, nhiều mô hình làm giàu của người dân khắp nơi trong tỉnh. Mình thấy có nhiều cách làm hay, có thể đem áp dụng nên cứ “cất” trong đầu. Đến khi lập gia đình, của cải duy nhất cha mẹ cho là 0,5 ha đất. Mình khai hoang thêm một ít và trồng cà phê. Nhưng cà phê không cho thu nhập ngay. Mình nhớ mang máng ở đâu đó, họ trồng xen cây đậu phụng nên trồng thử, không ngờ thành công. Cây đậu đã giúp mình vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất khi cây cà phê chưa cho thu nhập mà còn phải đổ công đầu tư, chăm sóc”- Lin kể về những ngày đầu khởi nghiệp. Để giảm chi phí phân bón, Lin vay tiền mua 4 con bò sinh sản, tận dụng phân bón cà phê. Hiện cơ ngơi của chàng trai Jrai mới bước vào tuổi 25 này là trên 1.500 cây cà phê kinh doanh, 6 con bò sinh sản, 90 con gà giống, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Khởi nghiệp của nhà nông trẻ Lê Hữu Hoang (29 tuổi)- thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh bắt đầu từ con số không: Không đất đai, không vốn liếng. Thế nhưng chỉ sau 7 năm lập nghiệp, vốn liếng của Hoang là 2.000 trụ tiêu với sản lượng 5 tấn tiêu đen/năm, thu nhập trên 200 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, anh vừa đầu tư 500 triệu đồng xây dựng một trang trại trên đồi đất đỏ thuộc xã Ia Le. Đây là trang trại khép kín gồm 0,5 ha cà phê, hơn 100 con gà thả vườn, ao cá rộng 350 m2, xây một nhà cấp 4 cho nhân công ở. Hoang kể về bước đường lập nghiệp: “Năm 2003, từ 20 triệu đồng vốn vay ngân hàng, tôi mua 1 ha đất. Nhưng để có tiền đầu tư trồng tiêu, tôi tiếp tục vay bạn bè, gia đình. Nhờ hoạt động Đoàn, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều thanh niên nông thôn có khát vọng, kinh nghiệm làm giàu, học hỏi nhiều điều, nhất là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu- cây trồng giúp tôi lập nghiệp và thành công như hôm nay”. 

Cũng khởi nghiệp gian nan, Đồng Tấn Thịnh (26 tuổi), tổ dân phố 4, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê mạnh dạn đầu tư hết số tiền 50 triệu đồng vào mô hình VAC: Trồng 3 ha cà phê, 3 sào hồ tiêu, nuôi 200 con gà thả vườn, đào ao thả cá, nuôi vịt. Thịnh kể: “Nhiều người nói tôi mạo hiểm, vì nếu thất bại tôi sẽ “cõng” một số nợ lớn. Nghĩ cũng thấy mình liều. Thời điểm đó, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang hoành hành, giá cả nông sản bấp bênh”. Nếu không có bản lĩnh hẳn thành công đã không dành cho chàng trai gốc Hải Dương này với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. 

Những ông chủ trẻ

Lận lưng tấm bằng cử nhân Tin học năm 2001, Nguyễn Văn Duyên, xã Ia Blang, huyện Chư Sê trở về địa phương với quyết tâm làm thay đổi nhận thức của người dân về tin học. “Người dân ít biết sử dụng máy vi tính, chủ yếu là cán bộ, công chức, học sinh. Riêng Ia Blang thì nông dân càng mù tin học. Và đây là đối tượng tôi hướng đến giúp họ khai thác tiện ích của tin học trong lao động, sản xuất”- Duyên nói.

Trung tâm tin học của Nguyễn Văn Duyên còn là nơi đỡ đầu cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn nhưng đam mê tin học. Ảnh: H.N
Qua 4 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Tin học Chư Sê do Duyên thành lập, từ chỗ thu nhập chỉ 100 triệu đồng/năm đã tăng lên 500 triệu đồng rồi 650 triệu đồng/năm. Nói về bí quyết thành công, Duyên chân thành: “Tôi tạo dựng uy tín bằng cách chăm sóc tốt từng khách hàng, dù là một nông dân ở xa đến. Từ đó, họ truyền tai nhau và khách hàng ngày một đông. Điều làm tôi vui nhất là nhiều bác nông dân sau khi tiếp cận tin học đã biết vào các trang web hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tìm hiểu thông tin để áp dụng”. Trung tâm của Duyên hiện tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 nhân viên, trong đó có 2 nhân viên khuyết tật. Duyên cho biết thêm: “Với những bạn trẻ đam mê tin học và hoàn cảnh khó khăn, tôi sẵn sàng tạo điều kiện để các bạn được học tập”.

Kinh doanh trên lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất của nhà nông, Đỗ Văn Khánh, tổ 6, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang hiện đang làm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phát triển Bền vững nông- lâm nghiệp Lợi Điền, sản xuất và cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh. Anh cho hay, hiện nhiều bạn trẻ đam mê kinh doanh nhưng lại có ít người tìm đến lĩnh vực liên quan đến phân bón. Khánh cho biết: “Tận thu nguồn nguyên- vật liệu như vỏ cà phê, phân bò… kết hợp với kỹ thuật BIOGRO của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phân vi sinh Hà Nội, chúng tôi tạo ra sản phẩm với nhiều ưu thế phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Nông dân có thêm nguồn thu nhập từ “rác thải nông nghiệp” này, lại vừa bảo vệ môi trường”. Công ty của Khánh tạo việc làm cho 11 thanh niên, có thời điểm đến 24 người với mức thu nhập 1,8- 2,4 triệu đồng/tháng.

Không chỉ là một “nông dân gốc” trên vùng đất trứ danh hồ tiêu, ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, Huỳnh Quốc Tuấn, thôn Hòa Tín còn thành công với nghề tay trái: Kinh doanh. Khởi nghiệp của Tuấn cũng lắm gian truân như nhiều thanh niên thế hệ 8X, vay vốn, trần lưng làm lụng. Thế nhưng, khi đã thành công với mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm với 1.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch, tạo việc làm thường xuyên cho 5 thanh niên địa phương với mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng, Tuấn vẫn chưa bằng lòng. Năm 2009, anh đầu tư trồng thêm 10 ha cao su tiểu điền, đồng thời đầu tư 700 triệu đồng làm sân bóng mi ni. Anh chia sẻ: “Tôi thấy thanh- thiếu niên nông thôn thiếu chỗ vui chơi nên mạnh dạn đầu tư làm sân bóng chứ không nghĩ nhiều đến lợi nhuận. Nhưng trừ chi phí, sân bóng cũng mang lại cho tôi 120 triệu đồng/năm”.

Cùng xây dựng nông thôn mới

Không chỉ là những nhà nông trẻ xuất sắc, 6 gương mặt được vinh danh còn là những cán bộ có nhiều đóng góp cho phong trào Đoàn- Hội tại địa phương. Bằng nhiều hoạt động khác nhau, họ đã tạo ra nhiều phong trào sôi nổi. Nguyễn Văn Duyên thành lập câu lạc bộ cờ vua và phòng bồi dưỡng kiến thức tin học cho thanh niên ngay cạnh nhà. Anh cho biết dự định sắp tới sẽ vận động thành lập thư viện của thôn để mọi người góp sách và mượn sách, nhằm nâng cao văn hóa đọc cho người dân. Huỳnh Quốc Tuấn khuấy động hoạt động Đoàn bằng phong trào thể dục thể thao, rèn luyện thân thể trong thanh niên, trong đó có việc thành lập câu lạc bộ bóng đá tại thôn Hòa Tín. Kpuih Lin tổ chức những hoạt động gây quỹ bằng cách tập hợp thanh niên, nhận khoán làm cỏ, chăm sóc vườn cây cà phê, thu hoạch nông sản không chỉ làm cho nguồn quỹ luôn dồi dào mà chi đoàn của Lin còn mua được dàn Organ, ghi ta, loa… để phục vụ sinh hoạt; mua trang phục, bóng, lưới cho đội bóng đá, bóng chuyền thanh niên…

Nói về giải thưởng Lương Định Của, những nhà nông trẻ đều khẳng định đó là sự khích lệ to lớn, ghi nhận đóng góp của họ đối với địa phương. “Đây là giải thưởng mang tính khoa học và nhân văn sâu sắc; kịp thời động viên, cổ vũ chúng tôi. Giải thưởng giúp tôi có thêm động lực, động cơ phấn đấu, cống hiến, đặc biệt là trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới hiện nay”- Kpuih Lin chia sẻ. 
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm