TN - Đất & Người

Triệu phú chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên khu đất rộng chừng 1,2 ha nằm dọc theo quốc lộ 19, gia đình ông Tạ Chí Ngọc Dư (SN 1958, thôn An Thuận 3, xã Song An, thị xã An Khê) khiến nhiều người ngưỡng mộ với quy mô chuồng trại chăn nuôi của mình. Ước tính mỗi năm, gia đình ông Dư thu về khoảng 500 triệu đồng từ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ vùng đất Tây Sơn (Bình Định), gia đình ông Dư chuyển lên lập nghiệp tại xã Song An đến nay đã được hơn 20 năm. Để có được thành quả như hôm nay là cả một quá trình đầu tư, cố gắng học hỏi, đúc kết kinh nghiệm và cần cù lao động của ông. “Lúc mới lên đây lập nghiệp, cái khó khăn nhất chính là thiếu vốn đầu tư. Khi ấy, Hội Nông dân xã đã giúp tôi vay vốn ngân hàng để hình thành trang trại chăn nuôi của mình”-ông Dư nhớ lại.
 

Đàn gà 1.000 con đem lại thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Ảnh: Phương Linh

Chân ướt chân ráo lập nghiệp tại vùng đất mới với đồng vốn vay mượn ít ỏi, ông Dư xác định tập trung nuôi heo và gà, đồng thời chủ động nguồn thức ăn cho chúng bằng cách trồng thêm mì, bắp để tiết kiệm chi phí. Dần dần, đàn gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông. Hiện nay, trong khu đất rộng rãi nằm phía sau nhà, gia đình ông nuôi 7 con heo nái, 100 con heo lấy thịt, khoảng 1.000 con gà thịt, 6 con bò (trong đó có 3 bò cái sinh sản, 1 con đực giống và 2 con bê). Đàn gia cầm, gia súc ấy đem về cho gia đình ông khoảng 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư.

Dường như vẫn chưa hài lòng với quy mô của mình, năm 2010, ông Dư thử đầu tư nuôi heo rừng. Ban đầu, qua sự giới thiệu của một người bạn, ông bỏ 5 triệu đồng mua 3 con heo rừng nái thuần chủng về nuôi. Nhưng do không hợp với thổ nhưỡng cũng như điều kiện thức ăn, 3 con heo rừng giống lần lượt chết khiến ông Dư mất trắng số vốn đầu tư. “Không nản chí, tôi tiếp tục tìm hiểu qua sách báo, xem ti vi, đi tham quan các mô hình nuôi heo rừng ở những nơi khác đã làm thành công, rút ra kinh nghiệm cho mình. Sau đó, tôi quyết định tiếp tục đầu tư mua một con nái và một con đực giống heo rừng lai với giá 6 triệu đồng. May mắn, giống heo rừng lai này khá dễ nuôi, sinh sản tốt nên đàn heo của gia đình tôi có số lượng ngày càng tăng”-ông Dư phấn khởi nói.

Trung bình một con nái heo rừng lai đẻ 2 lứa/năm, đối với lứa đầu tiên thì đẻ khoảng 6-7 heo con, những lứa sau đẻ từ 8 đến 10 con. Với tốc độ sinh sản như vậy, chỉ sau 4 năm chăm sóc, hiện gia đình ông Dư đã có 7 heo rừng nái, 1 con đực giống và hơn 50 con heo lấy thịt. Mỗi năm 2 lần xuất chuồng với giá bán 140.000 đồng/kg, 20 kg-30 kg/con, đàn heo rừng lai đem lại nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông. Ông Dư chia sẻ thêm: “Nuôi heo rừng lai rất dễ vì nguồn thức ăn của chúng chủ yếu là rau cỏ, chỉ có con nái sinh sản thì mới cần tăng cường cho ăn thêm cám để đảm bảo có sữa cho heo con sinh trưởng tốt. Không gian chuồng trại cho heo rừng khoảng 200 m2. Tôi đặc biệt chú trọng đến chất lượng thịt của heo rừng lai, phải làm sao để con heo không quá nạc cũng không quá mỡ”. Chính vì vậy mà sản phẩm heo rừng lai của gia đình ông Dư luôn có nguồn tiêu thụ ổn định, đặc biệt là các nhà hàng lớn trên địa bàn thị xã.

Với ông Dư, để chăn nuôi trang trại đạt hiệu quả cao về kinh tế chính là việc chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi. Vì vậy, trong khu đất của mình, ông dành một khoảng rộng trồng cỏ sữa để nuôi bò và heo rừng. Ngoài ra, cách đây 2 năm, ông mở cửa hàng buôn bán thức ăn gia súc gia cầm, nhập sản phẩm trực tiếp từ nhà máy vừa để chủ động thức ăn cho đàn heo, đàn gà cũng như kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Không chỉ vậy, là thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật xã Song An, ông Dư còn đứng ra cho nông dân quanh vùng mua thức ăn gia súc, gia cầm trả chậm với mong muốn giúp những người khó khăn có điều kiện để phát triển chăn nuôi.

Nói về mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình ông Dư, ông Lê Ngọc Châu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Song An cho biết: “Gia đình ông Dư là một trong những gia đình điển hình cho phong trào sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bản thân ông Dư là người ham học hỏi và có ý chí làm giàu. Mô hình chăn nuôi chuồng trại tổng hợp của gia đình ông Dư là một mô hình đáng để các hộ nông dân khác học tập và nhân rộng”.  

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm