Tin tức

Triều Tiên chấp nhận theo lời Trung Quốc về đàm phán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một đặc phái viên cao cấp của CHDCND Triều Tiên đang thăm Trung Quốc nói nước ông sẽ chấp thuận đề xuất của các quan chức Trung Quốc về việc mở các cuộc đối thoại, theo Tân Văn Xã hôm 23-5.
 

Phái đoàn của ông Choe Ryong-hae (giữa) thăm một khu công nghiệp ở Bắc Kinh.
Phái đoàn của ông Choe Ryong-hae (giữa) thăm một khu công nghiệp ở Bắc Kinh.

Phát biểu được tường thuật sau khi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên-phó nguyên soái Choe Ryong-hae gặp ông Lưu Vân Sơn-Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Lưu được tường thuật là đã lặp lại lời kêu gọi bấy lâu của Trung Quốc về việc nối lại các cuộc đàm phán nhằm mục đích giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên càng sớm càng tốt.

Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất của CHDCND Triều Tiên song quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng trong vài tháng gần đây và một số quan chức Trung Quốc không hài lòng trước việc Bình Nhưỡng bỏ ngoài tai những lời kêu gọi kiềm chế thử tên lửa và hạt nhân.

Chuyến thăm của phó nguyên soái Choe, một phụ tá tin cẩn của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, được nhiều chuyên gia xem là sứ mệnh hàn gắn quan hệ.

Ông Choe được Tân Văn Xã tường thuật là hết sức trân trọng “những nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định của Trung Quốc” trên bán đảo Triều Tiên.

Cho đến nay, chưa có tường thuật về việc ông Choe có gặp gỡ các quan chức ngoại giao và quân sự cao cấp của Trung Quốc hay không.

Trước đó, trong các cuộc gặp được tường thuật, ông Choe chỉ gặp những quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn đóng vai trò như là cầu nối liên lạc giữa hai nước lâu nay. Hôm 22-5, ông Choe đã gặp ông Vương Gia Thụy-Trưởng ban liên lạc đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong khi đó, hãng KCNA tường thuật ông Choe đã thăm một khu công nghiệp ở Bắc Kinh vào hôm 23-5.

Lời khuyên căn bản của Trung Quốc dành cho CHDCND Triều Tiên lâu nay là nước này hãy cải tổ kinh tế theo con đường của Đặng Tiểu Bình, với các đặc khu kinh tế và một số doanh nghiệp tư nhân.

CHDCND Triều Tiên từng có đôi lần tính áp dụng các cải cách đó song chính quyền Bình Nhưỡng đã chùn lại vì lo ngại mất quyền kiểm soát đất nước.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm