Không ai ngoài nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un biết ông ta muốn gì với chính sách “bên miệng hố chiến tranh” hiện nay nhưng rõ ràng Triều Tiên đang tạo cơ hội cho Mỹ, kẻ thù truyền đời của ba thế hệ nhà họ Kim, gây khó khăn cho “người bạn lớn” Trung Quốc.
Binh lính Hàn Quốc tại chốt kiểm soát dẫn ra khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên ở Paju, phía bắc Seoul. |
Theo phân tích của hãng tin Reuters, Bình Nhưỡng càng leo thang đe dọa và khiêu khích lại càng khiến Mỹ có cơ hội củng cố chiến lược tái cân bằng lực lượng tại châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Bắc Kinh, các vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân cộng với những hô hào gây chiến của Bình Nhưỡng cũng đáng lo, nhưng không rắc rối bằng phản ứng của Mỹ.
"Chúng tôi biết rõ chế độ tại Triều Tiên, cũng biết chắc rằng Triều Tiên đang hù dọa. Quan trọng nhất là Mỹ đang lợi dụng các cuộc tập trận để tăng cường các hệ thống vũ khí hiện đại đến khu vực, như máy bay ném bom tàng hình B-2”, Giáo sư Tôn Triết-Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, nhận định.
Đến thời điểm này, ngoài B-2, Mỹ đã đưa đến Hàn Quốc máy bay ném bom B-52, chiến đấu cơ tàng hình F-22, các tàu khu trục trang bị tên lửa đánh chặn như USS McCain, USS Decatur. Sắp tới sẽ là hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại THAAD tại Guam.
Chính vì vậy, khi phát biểu “không nước nào được đẩy khu vực và thậm chí cả thế giới vào hỗn loạn vì lợi ích riêng” tại Diễn đàn Bác Ngao ở đảo Hải Nam hồi tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như không chỉ khiển trách đồng minh Triều Tiên như phần lớn báo chí suy đoán mà còn nhắc nhở Mỹ.
Trước lo ngại của Bắc Kinh, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói thẳng: “Hành vi của Triều Tiên khiến không chỉ Mỹ mà các nước khác trong khu vực cũng phải hành động. Nếu Trung Quốc thấy những thứ họ không thích thì cách dễ nhất là họ nói Triều Tiên dừng khiêu khích đi”. Ông Carter tuyên bố như trên trong cuộc trò chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế.
Theo nld