Năm 1995, khi mới 22 tuổi, chị Nguyễn Thu Huệ rời Bắc Giang vào vùng đất Đam Rông sinh sống. Trên vùng đất mới, chị buôn bán nhỏ và mua đất trồng cà phê để mưu sinh.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, cây cà phê có thu nhập không ổn định bởi giá cả lên xuống thất thường, trong khi giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không ngừng tăng, nên chị suy nghĩ tìm hướng chuyển đổi cây trồng.
Chị Nguyễn Thu Huệ trong vườn đương quy bạc tỉ của mình. |
Thế rồi, khi đang loay hoay với việc bỏ cà phê sẽ trồng cây gì cho hiệu quả, thì năm 2015 chị gặp người quen ở Viện Dược liệu giới thiệu trồng cây đương quy sẽ dễ làm giàu hơn.
Nghe vậy, chị tìm hiểu, biết được loài cây dược liệu này có nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh hoặc chế biến thức ăn bồi bổ cơ thể, nên chị mạnh dạn phá bỏ 3 sào cà phê (3.000 m2) trồng thử nghiệm cây đương quy.
“Ban đầu tôi không biết gì về loài cây này cả, qua phương tiện truyền thông, mạng internet, chỉ biết là cây cho năng suất và có giá thành cao, dễ trồng nên nhờ người quen phân tích chất đất, khí hậu có phù hợp hay không. Khi kết quả đánh giá phù hợp thì tôi mới quyết định trồng thử”, chị Huệ kể.
Quá trình trồng thử nghiệm, chị Huệ thường xuyên tìm đến những nơi trong nước có trồng đương quy để trao đổi, học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc. Không chỉ vậy, khi cây bắt đầu được 7 tháng tuổi cho đến thu hoạch (12 tháng), hằng tháng chị liên tục đào củ mang đến cơ quan chuyên môn phân tích, kiểm nghiệm về các chỉ số liên quan đến chất lượng củ và cho kết quả tốt.
Thấy cây mang lại hiệu quả cao, có khả năng phát triển được nên chị tìm kiếm đối tác ở Hà Nội và ký hợp đồng tiêu thụ (trọn gói) rồi về phá hết 10 ha cà phê của mình để trồng đương quy.
Theo chị Huệ, hiện vườn đương quy bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến 1 ha thu được từ 20 - 25 tấn củ. Với giá bán khoảng 35.000 đồng/kg củ tươi thì 10 ha này, gia đình chị có thu nhập tiền tỉ, đồng thời giải quyết việc làm cho 40 lao động với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
“Về mặt kỹ thuật trồng và chăm sóc, cây đương quy không yêu cầu quá cao, phân hữu cơ phải ủ cho hoai mục hoàn toàn rồi bón lót trước khi trồng. Rồi phải tưới nước thường xuyên, cây nhỏ tưới 2 lần/ngày, cây lớn thì 2 ngày tưới một lần và chú ý giữ vườn khô ráo bởi loài cây này cần nước nhưng lại rất sợ ngập úng. Quan trọng hơn, vì là loài cây mới, nên trước khi trồng phải tính đến chuyện đầu ra cho yên ổn”, chị Huệ chia sẻ. Tuy nhiên, cũng theo chị Huệ, việc thu hoạch đương quy rất vất vả, bởi chỉ làm thủ công nên tốn rất nhiều công lao động.
“Bước đầu trồng cây đương quy tôi đã thành công. Tới đây tôi sẽ phát triển mô hình này và đi tìm kiếm thêm đối tác tiêu thụ để về liên kết phát triển cho bà con nông dân ở địa phương”, chị Huệ cho hay.
Trao đổi về mô hình này, ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng, cho biết: “Xã thường xuyên đến thăm vườn đương quy của chị Huệ, trước mắt cho thấy rất có hiệu quả. Chúng tôi tiếp tục theo dõi đến hết năm nay, nếu có đầu ra ổn định, xã sẽ vận động một số bà con chuyển đổi sang trồng loại cây dược liệu này”.
Mạnh dạn chuyển đổi vườn hoa cúc sang trồng dây tây giống New Zealand đã giúp nông dân Nguyễn Thanh Trúc (42 tuổi, phường 11, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) thu về tiền tỉ mỗi năm.
Gia Bình/Thanh niên