Kinh tế

Giá cả thị trường

"Trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng có vị trí thượng tôn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 15-3 chính thức trở thành “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”, nhân dịp này phóng viên Báo Gia Lai đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Thành-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai.

* P.V: Thưa ông, xin ông cho biết thực tế về công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) của tỉnh trong thời gian qua như thế nào?
 

ông Nguyễn Tấn Thành-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai. Ảnh: Lê Lan

- Ông Nguyễn Tấn Thành: Người tiêu dùng nói chung đang mất dần niềm tin vào thị trường nông sản, thực phẩm hiện nay. Bởi tình trạng rau bẩn, thịt bẩn, thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư kim loại nặng vượt ngưỡng tối đa cho phép và dư lượng chất cấm xảy ra khá nhiều... Bên cạnh đó, một số vụ việc buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây, cho thấy nguy cơ quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm hại là rất lớn. Nhất là những vi phạm trong quảng cáo sai sự thật, quá thổi phồng so với chất lượng, tính năng của sản phẩm, đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực buôn bán thực phẩm chức năng, dược phẩm… gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.

Trước tình hình trên, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể, trong năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường (trực thuộc Sở) đã phát hiện và xử lý 1.680 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 5 tỷ đồng. Riêng trong 2 tháng năm 2016, đã xử lý 122 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 500 triệu đồng.

 

Ảnh: Lê Lan

* P.V: Ngày 15-3 chính thức trở thành “Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam”, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo vệ NTD?

- Ông Nguyễn Tấn Thành: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011 là một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD  ở Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Quyết định 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, rồi Nghị định 08/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng… Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ quyền lợi của NTD.

Đặc biệt, việc công nhận ngày 15-3 là “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và vị thế của NTD. Đây là bước đột phá mạnh mẽ từ Chính phủ đến toàn xã hội với tinh thần “Tất cả vì người tiêu dùng”. Trong nền kinh tế thị trường, NTD có vị thế thượng tôn, có thể quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp. Vì điều đáng sợ nhất đối với một doanh nghiệp là sự “tẩy chay” của NTD đối với sản phẩm và dịch vụ của họ.

* P.V: Chủ đề xuyên suốt năm 2016 là: “Quyền được an toàn của người tiêu dùng”. Vậy theo ông cần làm gì để triển khai chủ đề này?

- Ông Nguyễn Tấn Thành: Hiện UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 877/KH-UBND ngày 11-3-2016, trong đó đã quy định rõ thời gian, nội dung tổ chức các hoạt động, nội dung tuyên truyền, trách nhiệm cụ thể của các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh trong tổ chức, triển khai, thực hiện.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của NTD, Sở Công Thương đã phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương để thực hiện các phóng sự, bài viết, phỏng vấn về bảo vệ NTD… Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ NTD giúp người dân hiểu biết hơn về các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, hiểu rõ hơn về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Đồng thời, thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi của NTD. Giúp doanh nghiệp nhận thức rõ NTD là nhân tố có tính chất quyết định đến sự thành công trong kinh doanh, thấy rõ lợi thế của cách làm ăn đứng đắn, có uy tín, tôn trọng quyền lợi của NTD và đã có ý thức chủ động bảo vệ quyền lợi của NTD.

Mặc dù Sở Công thương là cơ quan nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên hiện Sở vẫn chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện chức năng đó. Ngoài ra, tỉnh chưa hình thành Hội bảo vệ quyền lợi NTD… Vì vậy, Sở rất mong tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành, đơn vị liên quan để vận động, chuẩn bị tốt các điều kiện sớm thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh để có thể bảo vệ NTD một các hữu hiệu nhất. Trước mắt, trong trường hợp NTD có thắc mắc, khiếu nại có thể liên hệ trực tiếp đến Sở Công thương gia Lai (địa chỉ:17 Trần Hưng Đạo-TP. Pleiku-Gia Lai, Điện thoại: (059) 3824354; Fax: (059) 3828240).

P.V: Xin cảm ơn ông!

Lê Lan (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm