Phòng Thí nghiệm Khoa học Cẩm Bính của Trung Quốc. Ảnh: THX |
Theo Tân Hoa Xã, ngày 7/12, Trung Quốc đã khánh thành và đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm khoa học ngầm sâu nhất và lớn nhất thế giới.
Nằm dưới chân núi Cẩm Bính thuộc châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Phòng Thí nghiệm Khoa học Cẩm Bính (DURF) được xây dựng dưới độ sâu 2.400m, tổng thể tích phòng 330.000m3.
Thông lượng tia vũ trụ trong phòng thí nghiệm chỉ bằng 1/100 triệu so với bề mặt Trái Đất và có nhiều ưu điểm như kết tủa radon môi trường cực thấp, bức xạ môi trường cực thấp, thông lượng tia vũ trụ cực thấp, không gian siêu sạch… nhờ đó sẽ giúp tăng cường khả năng phát hiện vật chất tối.
Theo các nhà khoa học, vật chất nhìn thấy chỉ chiếm khoảng 5% vũ trụ, trong khi khoảng 95% vũ trụ được tạo thành từ vật chất tối và năng lượng tối.
Có tổng cộng 10 nhóm dự án thí nghiệm của các nhà khoa học các trường đại học và viện nghiên cứu khoa học như Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu Khoa học Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Cơ học Nham Địa Vũ Hán (Viện Khoa học Trung Quốc)... sẽ đến phòng thí nghiệm này để triển khai thí nghiệm khoa học.
Hiện có một số nhóm đã có mặt tại DURF để tiến hành các nghiên cứu.
DURF được xác định là cơ sở quan trọng của quốc gia, trong tương lai sẽ phát triển thành một trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên sâu và đẳng cấp thế giới bao gồm sự giao thoa đa ngành của vật lý hạt, vật lý thiên văn hạt nhân, vũ trụ học, khoa học đời sống và cơ học đá…, góp phần giúp nền tảng sáng tạo khoa học của Trung Quốc có bước tiến nhảy vọt.