Kinh tế

Nông nghiệp

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Theo lời giới thiệu của một công chức xã Ia Mrơn, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi vịt của gia đình ông Bé. Đây là mô hình nuôi vịt thả đồng duy nhất của xã. Vừa nhanh tay phân loại trứng để kịp gửi đi các đầu mối, ông Bé vừa niềm nở tiếp chuyện khách.

Ông cho hay: Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, những cánh đồng rộng mênh mông là địa điểm lý tưởng để đàn vịt tìm kiếm thức ăn. Thêm vào đó, hệ thống ao hồ, mương nước nội đồng với lượng cá, cua, ốc phong phú là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn vịt.

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế này, ông bắt tay chăn nuôi vịt thịt. Tuy nhiên, đợt dịch cúm gia cầm năm 2012 khiến đàn vịt gần 5.000 con chết sạch. Sau thất bại nặng nề ấy, ông Bé cải tạo lại chuồng trại và quyết định chuyển sang nuôi vịt cỏ lấy trứng bởi giống vịt này có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Theo ông Bé, nuôi vịt đẻ thả đồng mang lại nhiều lợi ích. Được xem là “thiên địch” của ốc bươu vàng, đến mùa thả đồng, đàn vịt của ông tìm kiếm thức ăn trên các cánh đồng của xã, giúp bà con diệt ốc bươu vàng hại lúa, từ đó giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Chất thải của vịt trở thành nguồn phân bón cải tạo đồng ruộng hiệu quả.

Chăn nuôi vịt theo cách này giúp ông Bé giảm được 3/4 chi phí thức ăn so với phương thức nuôi nhốt. Trong khi đó, vịt đẻ nhiều trứng, trứng lại to hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, hết mùa thả đồng tại địa phương, ông thuê thêm 2 nhân công đưa vịt đi thả tại các tỉnh như: Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Định…

Để đàn vịt sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, ông Bé tuân thủ nghiêm quy định về phòng-chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại. Định kỳ 6 tháng, ông tiêm vắc xin phòng bệnh cho vịt 1 lần, thường xuyên phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại. Đến nay, trang trại của ông mở rộng lên 3.000 m2 với 7.000 con vịt đẻ, cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 quả trứng/ngày.

Cũng theo ông Bé, vịt nuôi khoảng 4 tháng thì bắt đầu sinh sản. Tùy theo mức độ chăm sóc mà vịt có thể đẻ trứng liên tục trong vòng 2-3 năm. Để đảm bảo năng suất và chất lượng trứng, cứ 2 năm, ông lại thay một lứa vịt.

Ngoài thức ăn tự nhiên, trong quá trình chăn thả, ông bổ sung thêm thóc, bột bắp, bèo, thân cây chuối xay nhuyễn trộn với cám gạo. Nhờ vậy, trứng vịt thơm ngon nên được người tiêu dùng đánh giá cao.

“Vịt thường đẻ trứng sau 23 giờ. Khoảng 3-4 giờ sáng, vợ chồng tôi bắt đầu thu trứng. Lượng trứng thu hoạch được thương lái tại các địa phương trong tỉnh thu mua toàn bộ với giá 2.500-3.000 đồng/quả. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 20 triệu đồng”-ông Bé nhẩm tính.

Mô hình nuôi vịt đẻ thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé (bìa phải) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương. Ảnh: V.C

Là khách hàng thường xuyên của trang trại, anh Nguyễn Văn Hội (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cho hay: “Nhờ thả đồng nên trứng vịt của gia đình ông Bé to hơn, chất lượng cao hơn, được khách hàng rất ưa chuộng.

Tôi làm đại lý phân phối trứng cho gia đình ông suốt 5 năm qua. Bình quân mỗi ngày, tôi lấy sỉ khoảng 1.000 quả trứng, bỏ mối cho các chợ tại huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa”.

Còn bà Lê Thị Long (thôn Đoàn Kết) cho hay: “Tận mắt chứng kiến quy trình chăn nuôi nên tôi rất yên tâm về chất lượng trứng vịt của gia đình ông Bé. Trứng luộc hay chiên đều có mùi thơm, vị béo ngậy. Hết thời gian sinh sản, thịt vịt là nguồn thực phẩm an toàn cho mỗi gia đình”.

Nhận thấy mô hình nuôi vịt đẻ trứng của gia đình ông Bé phát huy hiệu quả nên xã Ia Mrơn đã hỗ trợ, đồng hành xây dựng trứng vịt thả đồng thành sản phẩm OCOP nhằm khẳng định giá trị, tạo niềm tin với người tiêu dùng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng hiệu quả kinh tế. Sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Ia Pa cấp chứng nhận OCOP 3 sao năm 2024.

Ông Trần Minh Phương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Năm 2024, huyện Ia Pa có thêm 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, trong đó có trứng vịt Văn Bé. Đây là sản phẩm đảm bảo an toàn, thơm ngon.

Việc được công nhận sản phẩm OCOP giúp trứng vịt Văn Bé khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.

Thời gian tới, huyện sẽ đồng hành hỗ trợ các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các phiên chợ, hội chợ thương mại để đưa sản phẩm nông nghiệp địa phương vươn xa trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm