(GLO)- Gia Lai có khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, hồ tiêu, cà phê, điều… Với tiềm năng thuận lợi đó, trong những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích cây công nghiệp dài ngày.
Ảnh: Lê Nam |
Theo kế hoạch, vụ mùa 2015 toàn tỉnh sẽ trồng mới 3.429 ha cao su, 2.370 ha cà phê, 500 ha hồ tiêu, 150 ha điều. Những ngày qua đã xuất hiện nhiều cơn mưa đầu mùa làm cho độ ẩm của đất tăng lên, thuận lợi cho việc xuống giống các loại cây công nghiệp dài ngày. Hiện tại, người dân các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Pah, Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ đã bắt đầu chuẩn bị làm đất, chọn giống cây trồng chuẩn bị cho vụ tái canh và trồng mới.
Với giá trị kinh tế mang lại rất cao của cây hồ tiêu, nhiều người dân các huyện: Chư Pah, Đak Đoa, Mang Yang, Ia Grai đang tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, do quỹ đất có hạn nên người dân đã chuyển đổi diện tích trồng cao su, cà phê sang trồng cây hồ tiêu. Ông Lê Ngọc Tính (thôn Cây Điệp, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Thấy giá trị kinh tế của cây hồ tiêu rất cao gia đình cũng ham nên đã phá bỏ gần 0,5 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp chuyển sang trồng hồ tiêu xen cà phê. Trước hết, gia đình tái canh, cải tạo vườn cà phê, đưa vào trồng giống cà phê Eakmat với khoảng cách 4 mét x 4 mét và trồng xen tiêu với hy vọng cho thu nhập cao hơn”. Cũng như nhiều hộ dân khác đang chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng tiêu với hy vọng “đổi đời”, ông Hoàng Đức Thắng-thôn Lập Thành, xã Ia Yok (huyện Ia Grai) đã chuyển đổi 0,6 sào cà phê sang trồng hồ tiêu. Ông Thắng cho hay: “Tuy cây hồ tiêu là loại cây trồng rất khó chăm sóc, dễ bị sâu bệnh và chi phí đầu tư cao nhưng do giá trị kinh tế từ cây hồ tiêu mang lại cao nên gia đình cũng mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cà phê sang trồng tiêu. Hy vọng sự mạnh dạn của gia đình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trong thời gian tới”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 507.708 ha cây trồng các loại; trong đó, cây công nghiệp dài ngày chiếm 42%, cây công nghiệp ngắn ngày 9,3%, cây lương thực chiếm 25,2%, cây thực phẩm và các loại cây trồng khác chiếm 23,5%. Riêng đối với cây công nghiệp dài ngày hiện có hơn 103.000 ha cao su, hơn 79.000 ha cà phê, hơn 13.000 ha hồ tiêu, hơn 17.000 ha điều... |
Tuy giá cà phê niên vụ vừa qua xuống thấp hơn mọi năm và bị ảnh hưởng của cơn đại hạn làm năng suất giảm nhưng do cây cà phê phát triển ổn định, ít sâu bệnh hại và cho thu nhập ổn định, phát triển kinh tế bền vững vẫn là lựa chọn an toàn cho người nông dân. Ông Bùi Văn Hùng (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho hay: “Cây cà phê tuy giá cả và nguồn nước tưới không ổn định nhưng vẫn đảm bảo cho người dân thu nhập cao hơn so với những cây trồng khác. Gia đình tôi có hơn 2 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, hàng năm cho thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng”.
Vụ trồng mới cây trồng dài ngày đã được nông dân các địa phương khởi động. Đi cùng sự khởi động với nông dân, các chủ vườn ươm cây giống đã sẵn sàng cung ứng giống cho nông dân. Nhìn chung, nguồn giống và giá cả các loại giống cây trồng tương đối đa dạng đáp ứng đủ cho niên vụ trồng mới. Các vườn ươm cây giống tập trung nhiều nhất là phường Yên Thế (TP. Pleiku), xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa)… Theo các chủ vườn ươm giá các loại cây giống năm nay đều giảm hơn so với những năm trước. Hiện giá tiêu giống bán tại các vườn ươm dao động trong khoảng 3-5 ngàn đồng/dây, giá cây cà phê giống 2-3 ngàn đồng/cây trồng 1 năm và 7-10 ngàn đồng/cây trồng 2 năm, bời lời khoảng 400-500 đồng/cây...
Hy vọng với thời tiết đầu mùa tương đối thuận lợi, người dân đang tích cực xuống giống các loại cây trồng đảm bảo theo đúng tiến độ và lịch thời vụ sẽ giúp cây trồng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lê Nam