(GLO)- Kiểm tra, đánh giá chất lượng học viên tại các trường chính trị tỉnh, thành phố là khâu rất quan trọng. Điều này không chỉ nhằm mục đích đánh giá trình độ nhận thức, kỹ năng liên hệ thực tế của học viên mà còn tạo ra động lực thúc đẩy quá trình dạy và học, giúp học viên điều chỉnh phương pháp học tập, nghiên cứu tài liệu.
Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới đã xác định: “Đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị theo hướng thực chất” là một trong những giải pháp căn cơ để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Trường Chính trị tỉnh khai giảng lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 3. Ảnh: T.N |
Quán triệt, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình tổ chức thi, kiểm tra kết thúc phần học các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại trường và cơ sở từ khâu ra đề thi, phân công cán bộ có kinh nghiệm coi thi, chấm thi… đến khâu lên điểm, công bố điểm trên website của nhà trường. Ngoài hình thức thi tự luận, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo tổ chức áp dụng lồng ghép các hình thức thi khác như vấn đáp, trắc nghiệm theo Quy chế quản lý và đánh giá kết quả học tập của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị (ban hành kèm theo Quyết định 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21-4-2016 của Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Việc đa dạng hóa các hình thức thi, kiểm tra đã tạo không khí mới trong việc đổi mới phương pháp học tập lý luận chính trị, đòi hỏi học viên phải chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức từ bài giảng và nghiên cứu giáo trình; đồng thời giảng viên phải đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, hiệu quả trong quá trình giảng dạy.
Để áp dụng có hiệu quả các hình thức thi, kiểm tra qua đó đánh giá thực chất kết quả học tập lý luận chính trị của học viên theo tinh thần Chỉ thị 23, theo tôi, thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thống nhất thực hiện nghiêm túc mục tiêu: “Đổi mới hình thức thi, kiểm tra các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị” trong cán bộ, giảng viên và học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng; xem việc đánh giá thực chất kết quả học tập là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa góp phần tạo nên uy tín và thương hiệu của Trường Chính trị tỉnh. Tiếp đó, việc tổ chức các hình thức thi mới phải được tiến hành có hệ thống, tránh gây “sốc” trong học viên. Bởi lẽ, từ trước đến nay, học viên quen với hình thức thi tự luận, chưa quen với thi trắc nghiệm hay vấn đáp, nhất là đối với một số học viên lớn tuổi, học viên là người dân tộc thiểu số. Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, vấn đáp sau khi biên soạn và được thẩm định cần phát hành, phổ biến rộng rãi để học viên tiếp cận, nghiên cứu, tập làm quen trước khi tổ chức thi chính thức.
Ngoài ra, việc tổ chức coi thi, kiểm tra cũng như công tác chấm thi, kiểm tra phải đảm bảo đúng quy trình, quy chế; yếu tố khách quan, chính xác, công bằng phải đặt lên hàng đầu bởi đây là khâu quan trọng nhất trong quy trình kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường cơ sở vật chất (máy vi tính, máy Scan, phần mềm chấm thi trắc nghiệm…) phục vụ cho việc đa dạng hóa các loại hình thi, kiểm tra; trang bị camera một phòng học và dành riêng phòng học đó cho công tác coi thi, kiểm tra để tăng cường tính nghiêm túc trong kỳ thi. Cuối cùng là thông báo kết quả thi, kiểm tra của từng học viên về cơ quan, đơn vị có người đi học để có sự phối hợp trong khâu kiểm nghiệm, đánh giá quá trình đào tạo, bồi dưỡng của học viên và giảng viên nhà trường.
Kiểm tra, đánh giá chất lượng học viên là khâu quan trọng, nếu việc đa dạng hóa hình thức thi, kiểm tra kết hợp với việc áp dụng đồng bộ các đề xuất, kiến nghị nói trên sẽ góp phần kiểm tra, đánh giá kết quả học tập lý luận chính trị theo hướng thực chất theo tinh thần Chỉ thị 23 để Trường Chính trị tỉnh xứng đáng là trung tâm đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo đương nhiệm, kế cận của tỉnh trong thời gian tới.
Th.S Nguyễn Anh Trạng