Biển đảo Việt Nam

Trường Sa về sum họp Tết đoàn viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau tròn một năm tình nguyện ra công tác tại đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa-Khánh Hòa), mới đây Đại úy Dương Đức Tuất vừa trở về đất liền đoàn viên cùng gia đình đón Tết Ất Mùi năm 2015 tại TP. Pleiku.
 

 Đài liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn
Đài liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn

Đại úy Dương Đức Tuất (quê xã Xuân Thủy-huyện Lệ Thủy-tỉnh Quảng Bình), hiện nay gia đình nhỏ của anh đang ở tại 17 Phan Chu Trinh-phường Yên Thế-TP. Pleiku.
    
Rời quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ năm 1998 đến 2006, chàng thanh niên trẻ chia tay đồng chiêm trũng Lệ Thủy, lên Tây Nguyên công tác tại Bệnh viện Binh đoàn 15. Sau đó anh chuyển sang Bệnh viện 211 (Quân đoàn 3).

 

Đại úy Dương Đức Tuất cập bến Quân cảng Cam Ranh sát Tết Ất Mùi
Đại úy Dương Đức Tuất cập bến Quân cảng Cam Ranh sát Tết Ất Mùi

Với ý chí tiến thủ của người con sinh ra ở vùng đất khó, đồng thời  muốn nâng cao tay nghề trong công tác khám-chữa bệnh phục vụ quân-dân, đến tháng 11-2013, anh chuyển công tác lên tuyến trên, làm việc tại Bệnh viện 175-Bộ Quốc phòng (đứng chân ở TP. Hồ Chí Minh). Mới chân ướt chân ráo vào làm việc ở đơn vị mới, đúng một tháng sau Đại úy quân y-cử nhân gây mê hồi sức Dương Đức Tuất đã tình nguyện ra nhận công tác tại đảo Trường Sa Lớn.
    
Điều đáng nói, khi mà người lính mặc trên mình chiếc áo blouse xanh này xung phong vượt trùng khơi ra công tác tại đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đó cũng là lúc vợ của anh-chị Phạm Thị Thu (làm việc tại Bệnh viện Binh đoàn 15) và 3 con trai (hai lần sinh nở) chuyển ra tạm trú tại TP. Huế để tiếp tục con đường học vấn.
    

 

Hệ thống điện gió cung cấp điện ban đêm cho đảo Trường Sa Lớn
Hệ thống điện gió cung cấp điện ban đêm cho đảo Trường Sa Lớn

Anh Tuất tâm sự: “Đời trai mình chẳng ngại gì gian khó, chỉ có điều thương các con quanh năm suốt tháng vắng mặt bố. Vợ vừa làm mẹ, vừa làm bố chăm lo cho các con. Khoảng trống này không gì có thể bù đáp được, chỉ mong vợ con chia sẻ”.
    
Bệnh viện 175 được giao nhiệm vụ đảm bảo công tác quân y cho đảo Trường Sa Lớn. Ở đây thường xuyên có khoảng 10 quân y (gồm cả bác sĩ, điều dưỡng, gây mê hồi sức) túc trực. Khác với trên đất liền, thông thường mỗi bác sĩ đều làm việc theo chuyên khoa riêng, nhưng khi ra Trường Sa, các bác sĩ đều phải đa khoa, đa năng. Bởi vậy trước ngày lên đường ra đảo, tất cả được tập huấn kỹ lưỡng.   

 

Giờ phút chia tay đảo trở về đất liền
Giờ phút chia tay đảo trở về đất liền

Bên cạnh đảm bảo công tác khám-chữa bệnh cho quân dân trên đảo, người thầy thuốc ở đây còn phải sẵn sàng ứng cứu chữa bệnh cho các ngư dân đánh bắt cá quanh đảo.
    
Anh Tuất còn nhớ như in, ngày 9-10-2014, ngư dân Lê Quang Minh (20 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định) bị sốt cao vào bệnh xá đảo Trường Sa Lớn. Sau khi chẩn đoán xác định, bệnh nhân bị áp-xe chân răng, gây tổn thương phổi cấp, có nguy cơ tổn thương tim, gan, thận… Sau khi được cấp cứu ban đầu, anh Minh được trực thăng đưa vào đất liền điều trị, đã qua cơn nguy kịch…
    
Những ngày giáp Tết Ất Mùi, sau một năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, anh Tuất trở về sum họp với gia đình tại Phố núi, trước khi quay trở lại Bệnh viện 175 công tác.

 

Hoa nhân tạo trên đảo Trường Sa Lớn được làm từ san hô và ốc biển
Hoa nhân tạo trên đảo Trường Sa Lớn được làm từ san hô và ốc biển
Khoang y tế trên tàu kiểm ngư
Khoang y tế trên tàu kiểm ngư
Ngọn hải đăng đảo Trường Sa Lớn
Ngọn hải đăng đảo Trường Sa Lớn
Phía trước mặt Đại úy Dương Đức Tuất là đất liền
Phía trước mặt Đại úy Dương Đức Tuất là đất liền
Quân dân trên đảo bịn rịn giờ phút chia tay đồng chí đồng đội trở về đất liền
Quân dân trên đảo bịn rịn giờ phút chia tay đồng chí đồng đội trở về đất liền
Các chiến sĩ quân y cùng trụ trì Chùa Trường Sa Lớn-Thích Giác Nghĩa
Các chiến sĩ quân y cùng trụ trì Chùa Trường Sa Lớn-Thích Giác Nghĩa
Đại úy Dương Đức Tuất
Đại úy Dương Đức Tuất

Minh Vỹ
(hình của Dương Đức Tuất cung cấp)

Có thể bạn quan tâm