Giáo dục

Trường THCS Chu Văn An ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục, Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã đẩy mạnh hoạt động này vào giảng dạy và quản lý giáo dục.

Trong tiết học môn Khoa học tự nhiên, cô và trò lớp 7A4 cùng nhau tìm hiểu các công thức hóa học trên màn hình ti vi. Sau khi mạnh dạn trả lời câu hỏi khó từ cô giáo, em Lê Đức Long hào hứng cho biết: “Em rất thích những tiết học được thiết kế theo bài giảng điện tử. Chúng em dễ dàng tiếp cận, nắm bắt kiến thức thông qua những hình ảnh, video minh họa sinh động. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, những con số, phép tính, công thức khô khan trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn”.

Tương tự, giờ học môn Mỹ thuật của lớp 7A8 cũng diễn ra sôi nổi, hào hứng. Với việc ứng dụng CNTT vào thiết kế bài giảng điện tử và kết nối với hệ thống ti vi thông minh trong quá trình giảng dạy, thầy Phan Thanh Bình đã lồng ghép nhiều hình ảnh, âm thanh và video trực quan cho học sinh dễ tiếp cận.

Em Trần Thị Kim Ngân bày tỏ: “Các bài giảng sử dụng CNTT hấp dẫn hơn nhiều so với bài giảng theo phương pháp truyền thống. Chúng em cảm thấy thật sự thoải mái, hứng thú khi tiếp thu kiến thức thông qua việc trực tiếp quan sát, thảo luận cùng hình ảnh trực quan, âm thanh sống động…

Ngoài Mỹ thuật, các thầy-cô cũng áp dụng bài giảng điện tử ở các môn học khác để tiết học thú vị và lôi cuốn, giúp chúng em khám phá thêm được nhiều kiến thức”.

Trong quá trình giảng dạy, thầy Phan Thanh Bình lồng ghép nhiều hình ảnh, âm thanh và các video trực quan giúp học sinh dễ tiếp cận bài học. Ảnh: T.D

Không chỉ tiên phong ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy, thầy Bình còn đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ CNTT và CĐS của trường. Theo thầy Bình, việc ứng dụng CNTT trong dạy và học là một phương pháp hữu ích. Qua đó, tạo ra một hệ thống giáo dục mở, giúp học sinh có cái nhìn đa chiều, tiếp thu kiến thức nhanh hơn, chính xác và thực tế hơn.

Với vai trò của mình, thầy Bình cùng 4 thành viên còn lại của Tổ CNTT và CĐS luôn đi đầu trong việc cập nhật và ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy; đồng thời, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, giáo viên nhà trường.

“Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đã sử dụng tương đối thành thạo máy tính trong soạn giảng và thực hiện những công việc được phân công. Cán bộ quản lý sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu để quản lý đánh giá xếp loại học sinh, phần mềm dạy học khi cần dạy trực tuyến như Zoom, Google Meet...

Không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, sáng tạo thông qua việc tích cực ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động chuyên môn, nhiều thầy-cô giáo đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”-thầy Bình cho hay.

Công tác trong ngành Giáo dục hơn 24 năm, cô Lê Thị Thủy-Giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên-nhìn nhận: “Ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy tạo ra nhiều cơ hội mới cho thầy và trò. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào soạn giảng giáo án điện tử, sử dụng đa dạng các phương thức truyền tải thông tin, kiến thức qua âm thanh, hình ảnh, trò chơi… đã đem lại hiệu ứng khá tích cực. Khác với phương pháp đọc-chép truyền thống, bài giảng điện tử giúp tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức và tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học”.

Cô Lê Thị Thủy (giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Chu Văn An) cho rằng ứng dụng CNTT giúp tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học sinh. Ảnh: T.D

Cô Tạ Thị Nguyệt Hà-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Ban Giám hiệu nhà trường đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong giảng dạy cũng như quản lý. Để tạo thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ, nhà trường nâng cấp cơ sở hạ tầng internet. 28 lớp học, các phòng học chức năng của trường đều được trang bị ti vi thông minh có kết nối mạng internet.

Tất cả cán bộ, giáo viên đều được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; kỹ năng thiết kế bài giảng E-Learning, video bài giảng, thiết bị dạy học số cũng như kỹ năng quản lý, triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong cơ sở giáo dục, kỹ năng về an toàn thông tin…

“Ngoài ra, nhà trường còn quản lý, vận hành và sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý trường học (SMAS) kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra-đánh giá và trong việc kết nối, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường…

Khi thực hiện CĐS, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà chất lượng giáo dục cũng ngày càng được nâng lên. Công tác quản trị nhanh chóng, chặt chẽ. Giáo viên chủ động, sáng tạo hơn. Học sinh có nhiều trải nghiệm thực tế sinh động, thú vị ở từng tiết học, qua đó tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng được tốt hơn”-cô Hà đánh giá.

Cũng theo cô Hà, mục tiêu của CĐS là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra một môi trường học tập hiện đại, linh hoạt và công bằng nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.

Hướng tới mục tiêu này, Trường THCS Chu Văn An đã và đang triển khai CĐS một cách bài bản, tích cực, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và dạy học, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tạo đà cho tiến trình CĐS toàn diện trong giai đoạn tiếp theo của nhà trường.

Có thể bạn quan tâm