Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Anh |
Cụ thể, ông Trương Quý Sửu (SN 1972, trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; ông Nguyễn Tư Sơn (SN 1961, trú tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, chỗ ở tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng truy tố, căn cứ Quyết định số 760/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ngày 30-12-2019 Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 782/QĐ-SGDĐT về việc giao dự toán ngân sách nhà nước. Vào thời điểm tháng 3-2020, ông Trương Quý Sửu-nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo được ông Nguyễn Tư Sơn-nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện lập dự toán các dự án đầu tư mua sắm của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, trong quá trình lập dự toán gói thầu mua sắm thiết bị và phần mềm số hóa văn bằng chứng chỉ năm 2020, ông Sửu đã không yêu cầu Phòng Quản lý chất lượng và Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) cung cấp số mét tài liệu chỉnh lý, không phối hợp với cán bộ trực tiếp quản lý văn bằng chứng chỉ để kiểm tra đo thực tế số mét tài liệu cần chỉnh lý để làm căn cứ lập dự toán. Thay vào đó, Sửu chỉ ước lượng, tự xác định tài liệu cần chỉnh lý là 64 m để trình ông Nguyễn Tư Sơn ký phê duyệt dự toán.
Khi tiến hành nghiệm thu thanh toán, ông Sửu và Công ty H.V. cũng không kiểm tra xác định thực tế số mét tài liệu văn bằng chứng chỉ đã thực hiện mà nghiệm thu trên khối lượng hợp đồng đã ký kết là 64 m dẫn đến việc thanh toán cho Công ty này không đúng thực tế, vượt khối lượng so thực tế là 47,71 m (đơn giá 8,4 triệu đồng/m) gây thất thoát cho ngân sách nhà nước với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Đối với ông Nguyễn Tư Sơn-nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là chủ tài khoản có quyền quyết định mua sắm, lựa chọn hình thức mua sắm cho phù hợp và hiệu quả từ nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền giao. Nhưng do tin tưởng tham mưu của ông Sửu nên ông Sơn đã không kiểm tra lại quy trình và các tài liệu để làm căn cứ phê duyệt.
Cụ thể, hồ sơ do ông Sửu trình trong đó thể hiện khối lượng chỉnh lý tài liệu là 64 m để ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự toán, nhưng tại hồ sơ không có tài liệu làm căn cứ xác định khối lượng chỉnh lý tài liệu là 64 m, không có bảng thuyết minh diễn giải chi tiết khối lượng, đơn giá theo quy định và không có văn bản kết quả thẩm định đề cương dự toán chi tiết mua sắm thiết bị và phần mềm số hóa; ông Sơn đã trực tiếp ký biên bản nghiệm thu tổng thể trên cơ sở kết quả nghiệm thu do ông Sửu nghiệm thu với Công ty H.V. và thanh quyết toán nội dung chỉnh lý hồ sơ là 64 m, vượt khối lượng thực tế chỉnh lý là 47,71 m được thanh toán với số tiền 400 triệu đồng. Vì vậy, hành vi thiếu kiểm tra trên của ông Sơn đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền là hơn 400 triệu đồng.