Điểm đến Gia Lai

Tự hào trước sự đổi thay của quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Gia Lai đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại ý kiến của cán bộ, người dân nói về những đổi thay của tỉnh.
* Bà RƠ CHĂM H'YÉO-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh: Quan tâm công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số     
 
Tôi có cơ hội đi nhiều nơi, đến cả những huyện miền núi của các tỉnh đồng bằng và thấy rằng so với nhiều nơi thì tỉnh ta rất quan tâm, có nhiều chính sách phù hợp đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, giúp người dân nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tiếp cận với nhiều mô hình mới, cách làm hay. Đơn cử, người dân đã thay đổi hình thức độc canh lúa rẫy sang trồng lúa nước, thậm chí nhiều nơi bà con còn canh tác lúa nước 3 vụ/năm. Giáo viên không phải đến từng nhà vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Thay vào đó, khi con em đủ tuổi, phụ huynh đưa đến tận trường, yên tâm giao cho giáo viên. Từ chỗ sợ trở thành “con nợ của Nhà nước”, người dân đã mạnh dạn vay vốn, mua cây-con giống, máy móc phục vụ sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Có thể khẳng định, các dân tộc trong tỉnh ngày càng đoàn kết, đặt trọn niềm tin trọn vẹn vào sự lãnh đạo của Đảng. Bản thân tôi cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục có nhiều chính sách quan tâm hơn nữa đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là quan tâm sắp xếp, bố trí việc làm đối với người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp để họ yên tâm cống hiến trí tuệ, công sức vào quá trình xây dựng tỉnh nhà.
* Ông NGUYỄN NGỌC TUẤN-nguyên Bí thư Thị ủy An Khê: Những kết quả thật đáng tự hào
 
Qua theo dõi, tôi thấy tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và thị xã An Khê nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã ngày một tăng, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của thị xã được quan tâm đầu tư. Nhiều tuyến đường từ nội thị đến vùng ven được nâng cấp, mở rộng, làm mới ngày càng khang trang, sạch đẹp. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cộng với sự chung sức đồng lòng của người dân, thị xã đã làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy, thị xã đang ngày một khẳng định là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh và từng bước phấn đấu trở thành đô thị loại III.
An Khê là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, lịch sử. Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, mức đầu tư còn khiêm tốn, chưa thật xứng tầm. Do đó vẫn cần quan tâm đầu tư hơn nữa. Về phát triển nông nghiệp, chúng ta nên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.
* Đại úy NGUYỄN THANH BẢO-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Pnôn: Tình đoàn kết quân-dân ngày càng bền chặt
 
Đồn Biên phòng Ia Pnôn quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 6 km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Những năm qua, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Đó là động lực để cán bộ, chiến sĩ yên tâm tư tưởng, vượt qua khó khăn và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước, vùng biên giới do đơn vị phụ trách ngày càng khởi sắc. Các công trình hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-3%/năm. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Người dân tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động kích động, chia rẽ, xuyên tạc của các thế lực thù địch và cam kết không bao che, tiếp tay cho các hoạt động sai trái, vi phạm quy chế biên giới. Nhiều người dân đã trở thành “cột mốc sống” trong bảo vệ biên giới. Ngày càng có nhiều người dân tình nguyện trở thành cơ sở cung cấp thông tin giúp lực lượng Biên phòng trong quản lý, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
* Bà PUIH-PHYIM-già làng Dọch Tung (xã Ia Krai, huyện Ia Grai): Người dân thực hiện nếp sống văn minh hơn
 
Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai kịp thời nên nhận thức của người dân được nâng cao, các hủ tục dần xóa bỏ, nhất là hủ tục trong việc cưới, việc tang. Hiện tại, dân làng mình tổ chức việc cưới, việc tang đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện gia đình chứ không kéo dài nhiều ngày, giết mổ nhiều gia súc như trước. Người dân tự nhắc nhau thu gom rác thải, giữ vệ sinh nhà cửa, đường làng. Nhiều gia đình đã di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, xa nguồn nước; làm hàng rào, trồng hoa phía trước để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Người dân thi đua sản xuất, cải tạo vườn tạp trồng rau xanh, chuyển những diện tích cà phê kém năng suất sang trồng điều cao sản. Đến nay, trong số 74 hộ dân của làng chỉ còn 3 hộ nghèo do đau ốm, tàn tật. 
Với vai trò già làng, người uy tín, tôi rất phấn khởi trước những đổi thay ấy. Tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, góp thêm tiếng nói để người dân đồng thuận, trách nhiệm hơn trong xây dựng, giữ vững danh hiệu làng văn hóa.
* Ông ĐINH KEO (tổ dân phố Plei Pyang, thị trấn Kông Chro): Người dân gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp
 
Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã xây dựng điện, đường, trường, trạm, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, người dân được chăm lo sức khỏe, con cháu được học tập. Thông qua các chương trình hỗ trợ, bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thời gian tới, tôi mong Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đến người dân vùng sâu, vùng xa, các dân tộc ít người để bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; có chính sách hỗ trợ người dân trong việc bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp, góp phần chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.   
PHƯƠNG DUNG - NGỌC MINH (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm