Gian trưng bày các tài liệu, hiện vật chủ quyền tại Nhà trưng bày Hoàng Sa có một tấm bản đồ rất đặc biệt: được vẽ bằng tay tái hiện sinh động cảnh sinh hoạt và bố phòng quân sự trên đảo.
Cụ Thính và thư cảm ơn về tấm lòng hiến tặng hiện vật từ UBND huyện đảo Hoàng Sa - Ảnh: B.D. |
Chúng tôi bị kẹt lại trên đảo hơn một năm sau mới được về. Để cầm cự, anh em dành dụm lương thực, đạn dược để giữ đảo.
Cụ Huỳnh Văn Thính
|
Bức "ảnh cưới" trước giờ biệt ly
Chủ nhân tấm bản đồ này là cụ Huỳnh Văn Thính - năm nay đã 75 tuổi, hiện sống ở đường Trường Chinh, TP Đà Nẵng. Cụ Thính suốt nhiều năm nay tham gia với Nhà trưng bày Hoàng Sa trong vai trò của một nhân chứng.
9h sáng 6-5, chúng tôi có mặt trước căn nhà số 134/12 Trường Chinh để đợi cụ Thính mà không hẹn trước. Người cựu binh Hoàng Sa giờ đây vẻ đầy khắc khổ. Thấy chúng tôi đến, cụ bảo rằng vừa trở về từ bệnh viện để chăm vợ. Vợ cụ, bà Võ Thị Hoạch, cũng là một mối nhân duyên đặc biệt gắn liền với chuyện cụ ra Hoàng Sa gần 60 năm về trước.
Cụ Huỳnh Văn Thính bỗng nghẹn ngào, giọng như đứt đoạn khi cố nhớ lại những câu chuyện ở Hoàng Sa. Mấy hôm nay ngồi nghe đài phát Trung Quốc lớn tiếng áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông khiến cụ thêm uất hận. Trong hồ sơ lưu giữ tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, thông tin về cụ Thính được ghi đầu năm 1964, cụ vào lính địa phương quân, thuộc tiểu khu Quảng Nam (nay là Hội An). Lúc đó cụ mới 19 tuổi và có quen người mà sau này cụ lấy làm vợ là bà Võ Thị Hoạch. Quen nhau chưa được lâu thì tháng 3-1964 cụ nhận được giấy gọi ra Hoàng Sa.
Chợt nhớ bức ảnh với người vợ mình được chụp vội trước lúc lên tàu ra đảo, cụ Thính vào phòng lấy chiếc ví giở ra đưa cho chúng tôi . "Này là bả (bà Hoạch, vợ cụ) cùng tui đó. Chu cha, khi biết tui ra Hoàng Sa bả khóc biết mô mà kể. Nghĩ biển sóng mênh mông, biết người đi rồi có về hay không. Bức ảnh đó theo tui và bả mấy chục năm nay, cũng thay cho ảnh cưới luôn đó. Sau này nếu Nhà trưng bày Hoàng Sa có cần thì tui sẵn sàng tặng" - cựu binh Hoàng Sa nói.
Tấm “bản đồ” cụ Thính vẽ bằng trí nhớ - Ảnh: B.D |
"Công của chúng tôi nhiều lắm"
Thời điểm đặt chân lên Hoàng Sa cách nay đã ngót nghét nửa đời người nhưng khi được khơi gợi lại, cụ Thính vẫn đọc vanh vách từng vị trí ngọn cỏ, hòn đá trên đảo: "Còi tàu đưa tiễn chúng tôi rời vịnh Đà Nẵng lúc 3h chiều để hướng ra Hoàng Sa. Cả một đơn vị gần mấy chục lính, người nào cũng trẻ măng, tuổi 18-20, mỗi người được phát quân tư trang và một cây súng để ra canh đảo. Tàu nhổ neo lúc 15h và chúng tôi chỉ kịp ngủ một giấc là thấy sáng hôm sau đã đặt chân lên Hoàng Sa" - cụ Thính nói.
Bình thường thì cứ luân phiên ba tháng cho một lần thay lính trấn thủ Hoàng Sa. Nhưng chuyến đi của cụ Thính lại kéo dài tới hơn một năm vì có đảo chính tại Sài Gòn. "Thấy lâu quá không có tàu ra thay, chúng tôi còn chặt gỗ làm bè sẵn, dự tính là nếu tàu không ra đón nữa thì thay nhau ngồi lên bè trở về đất liền" - cựu binh Hoàng Sa nhớ lại.
Trong ký ức cựu binh đặc biệt này, Hoàng Sa là một vùng biển mà sự trù phú của thiên nhiên luôn gây choáng ngợp cho người ra đảo. "Ban đêm chúng tôi thấy từng đàn vích to lớn lù lù bò lên từ biển như những chiếc thuyền thúng, anh em muốn lật con vích phải cần tới năm người chụm tay vào hợp sức. Còn tôm, cá, ốc biển nhiều vô kể..." - cụ Thính nhớ lại.
Cuối năm 1965, khi chính trường Sài Gòn được thiết lập ổn định trở lại, tàu hải quân chở lính ra thay và đó cũng là chuyến cuối cùng cụ Thính cùng anh em tạm biệt đảo để về đất liền. Không ai trong số những người Việt đã sống ngày tháng của tuổi trẻ trên đảo có thể hình dung một ngày quân Trung Quốc tràn lên xâm chiếm đảo một cách bạo ngược như thế. "Năm 1974 tôi nghe tin mà rụng rời. Uất hận lắm, đau đớn lắm, công sức anh em tụi tôi đổ ra Hoàng Sa nhiều biết bao nhiêu mà kể. Đâu có dám tin quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc bị chiếm đóng cho tới bây giờ" - cụ Thính nghẹn giọng.
Bản đồ trong... trí nhớ
Đầu năm 2016, UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức lễ kêu gọi đóng góp tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa. Một cán bộ phường đã đưa tận nhà cụ Thính tấm giấy mời tới dự lễ với tư cách nhân chứng Hoàng Sa. Cụ Thính vào phòng ngủ đảo tung mọi đồ đạc để tìm lại những gì còn lưu giữ được từ ngày được về đất liền để mang tặng Nhà trưng bày. Nhưng tất cả đã không còn.
Cụ Thính kể ngày rời đảo cụ có đeo đầy một balô nào là nhẫn mài từ đít vỏ ốc, một mớ vỏ ốc còn nguyên và vô số vật dụng kỷ niệm những ngày nằm ở Hoàng Sa. Nhưng nhiều lần dời nhà, những kỷ vật đó đã bị thất lạc. Người cựu binh này cũng kể lại một chi tiết mà cụ cho rằng chính nỗi sợ hãi của chính mình và người thân khiến bao nhiêu tài liệu, kỷ vật đã không còn có thể lấy lại được nữa. Đó là khi chiến tranh kết thúc, người em trai của cụ đã lấy toàn bộ giấy tờ đi lính Hoàng Sa của anh mình rồi ném xuống sông, một số thì hủy đốt. "Giờ thấy người ta đi vận động hiến tặng tài liệu cho Hoàng Sa mà tiếc đứt ruột" - cụ Thính nói.
Nhưng khi tất cả các tư liệu, hiện vật không còn thì cụ Thính lại có một món quà đặc biệt. Sáng hôm tổ chức lễ tiếp nhận, cụ Thính tới UBND huyện Hoàng Sa với một tấm bản đồ. Điều khó tin là chính cụ đã ngồi suốt ba ngày để nhớ lại từng công sự, từng điểm cao, gốc cây nhàu trên Hoàng Sa một thời rồi vẽ lại để tặng cho huyện Hoàng Sa.
"Tui ở trên đó từ tháng 3-1964 mãi cho tới tháng 9-1965 mới về nên không một gốc cây, công sự nào mà tôi không biết. Mình nhớ được gì thì cứ ngồi vẽ lại chứ đâu biết cái đó gọi là... bức tranh hay là tấm bản đồ" - cụ Thính cười nói.
Trong tấm "bản đồ" mà cụ Thính gửi cho huyện Hoàng Sa (nay đã được số hóa) có hình ảnh một chiếc xe máy xúc (xe múc) nằm rìa đảo. Về sự xuất hiện của chiếc xe cơ giới này, cụ Thính cho biết thời điểm Việt Nam cộng hòa đang kiểm soát Hoàng Sa thì những chiếc xe máy xúc luôn được liên tục đưa ra đảo để làm một công việc đặc biệt: đào xúc phân chim chất thành núi trên đảo đem về đất liền. "Trên đảo phân chim nhiều tới nỗi chất thành từng quả đồi. Chúng tôi nghe bảo quân đội Sài Gòn huy động cho xe ra múc phân chim đem về đất liền trồng cây. Chiếc máy xúc đó hoạt động liên tục, là hình ảnh gợi nhớ đất liền hiếm hoi làm niềm vui cho anh em chúng tôi trên đảo" - cụ Thính nói.
Những bài thơ viết từ Hoàng Sa
Cụ Thính còn có nhiều bài thơ tự làm trong những ngày ở Hoàng Sa, và mỗi lần khách tới thăm cụ đều đọc cho nghe. "Lúc trên đảo mình còn trẻ, biển trời bao la mà cô đơn kinh khủng nên anh em hay làm thơ. Tôi nhớ cho tới chừ ..." - cụ Thính buồn buồn.
Tết đời binh sĩ
Tết đời binh sĩ đảo Hoàng Sa
Cô quạnh bâng khuâng nỗi nhớ nhà
Chân trời mặt bể xa xa
Ngày về tăm tắp ánh tà vắt tay.
...
Tay gác súng ngoài trông mấy độ
Pháo xuân về tắt lịm từ lâu
Xuân về nặng một lòng sầu
Sầu lên biên ải, sầu xa quê nhà.
|
Những ngày giữa tháng 1 hằng năm có một sự kiện xúc động được tổ chức ở Quảng Nam và Đà Nẵng: thăm hỏi các chứng nhân Hoàng Sa.
Kỳ tới: Những "tư liệu sống" cuối cùng
|
THÁI BÁ DŨNG (TTO)