Sáng 31-1 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) ban hành kèm theo Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại các điểm cầu.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nêu rõ: Quản lý và sử dụng đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế rộng lớn, phức tạp, mà còn là vấn đề chính trị, xã hội rất hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến việc giữ vững thành quả cách mạng, ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Luật đất đai (sửa đổi), ngày 21-1-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 1-2 đến 31-3-2013.
Để việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực sự phát huy được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp căn cứ vào nhiệm vụ đã được giao trong Kế hoạch của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, triển khai tốt việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân trên tinh thần dân chủ, công khai, khoa học, với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Trong phạm vi chức trách được giao, cần tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để đảm bảo mọi ý kiến của nhân dân được trân trọng và được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tăng cường t uyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Trong quá trình triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo tình hình triển khai, các vướng mắc, khó khăn về Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Chính phủ kịp thời chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến đúng và đầy đủ các nội dung của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và vận động nhân dân tham gia góp ý kiến đối với dự thảo, phản ánh trung thực, kịp thời các ý kiến đóng góp của nhân dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua không còn nhiều, lại trùng với dịp Tết Nguyên đán, vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt chỉ đạo, triển khai theo kế hoạch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong quá trình triển khai để việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, phát huy được tâm huyết, trí tuệ của nhân dân cho việc hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Nghị quyết số 563/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng Luật đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua hình thức góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; thảo luận tại hội nghị, hội thảo theo khu vực và theo từng vùng; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục quản lý đất đai, Trang thông tin điện tử của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối tượng lấy ý kiến gồm Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp; các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp; tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các doanh nghiệp; các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học; các tầng lớp nhân dân.
Theo TTXVN