Phóng sự - Ký sự

Tuổi 20 ở Trường Sa - Kỳ 3: Tình đồng đội trên đảo xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên chuyến tàu chở quân ra đảo, mỗi khi tàu đến một đảo để thay - thu quân, các chiến sĩ lại tập trung ra boong bịn rịn chia tay bạn vào đảo. Họ gặp nhau chỉ mấy tháng tân binh trong đất liền nhưng đã kịp thân thiết, quý mến nhau.
Cái ôm chia tay của các chiến sĩ trẻ đóng quân trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: MY LĂNG
Cái ôm chia tay của các chiến sĩ trẻ đóng quân trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: MY LĂNG
“Ngày sinh nhật không được gần gia đình, người thương, nhưng bọn mình được đón sinh nhật cùng đồng đội ở Trường Sa. Đó là sinh nhật đặc biệt trong cuộc đời mỗi đứa, sau này có già đi cũng không thể nào quên.
Binh nhất HUỲNH THẾ KỶ
Chuyện về chiếc lục lạc trao vội
Những phút cuối trước khi vào đảo, họ khoác vai dặn dò, chúc sức khỏe, hẹn một năm sau gặp lại trên chuyến tàu về bờ. Trong lúc chờ xuồng ra, họ xúm lại thắt dây áo phao giúp đồng đội.
Chờ xuồng ra đón chiến sĩ mới vào đảo, binh nhất Nguyễn Văn Tuấn, 20 tuổi, đến từ huyện Nhà Bè (TP.HCM), vừa hoàn thành một năm nghĩa vụ quân sự trên đảo Song Tử Tây, trao chiếc lục lạc cho một chiến sĩ mới chuẩn bị vào đảo.
Chiến sĩ đó người Bình Thuận, sẽ lên đảo Sơn Ca làm nhiệm vụ một năm.
Suốt thời gian ngoài đảo, nhờ có chiếc lục lạc mà Tuấn và đồng đội có thêm chút âm nhạc hát hò cho đỡ buồn. Đó là món quà mà một chiến sĩ người Đồng Nai khi rời đảo đã tặng lại cho Tuấn. Thế nên Tuấn quý chiếc lục lạc lắm.
Lần này vào bờ, Tuấn mang theo chiếc lục lạc về làm kỷ niệm. Vậy mà khi một chiến sĩ mới ra thay quân nhìn thấy thích quá, nài nỉ xin, Tuấn xiêu lòng tặng lại.
"Mình cũng tiếc nhưng nghĩ đồng đội thì chia sẻ nhau, như hồi trước anh lính cũ tặng cho mình, giờ mình tặng lại cho em chiến sĩ mới", Tuấn bảo.
Trên hành trình ra đảo, những ngày biển động, nhiều chiến sĩ mới say sóng nằm không ngóc đầu dậy nổi. Chiến sĩ Nguyễn Tường Đạt (22 tuổi, người Khánh Hòa) khỏe sóng nên đi lên đi xuống tỉnh queo.
Có ngày sóng lớn đến nỗi phòng tôi cả năm người đều nằm "cố thủ" trên giường, không dám đi lại. Đạt vô hỏi thăm xem tình hình sức khỏe các chị thế nào. Chúng tôi cho mấy miếng dưa hấu và mấy cái bánh gạo, Đạt ăn một miếng dưa hấu rồi ngưng.
Hỏi sao vậy, cậu chiến sĩ bảo: "Ăn nữa thấy thương mấy người say sóng không có cái gì ăn. Tụi nó không ăn nổi cơm, nằm một chỗ mấy bữa nay. Em xuống hậu cần tìm mì gói nấu cho tụi nó nhưng không còn".
Nghe cậu chiến sĩ trẻ nói thấy thương quá, chúng tôi tặng luôn nửa trái dưa hấu và bịch bánh gạo còn nguyên mang về cho đồng đội. Đạt mừng rỡ bảo: "Cầm cái này về chắc tụi nó mừng khóc luôn. Tụi nó đói bụng lắm rồi". Rồi anh chàng khe khẽ hát: Cuộc đời vẫn đẹp sao...
"Hồi ở nhà ăn cái gì cũng lo cho mình - cậu chiến sĩ người Khánh Hòa bảo - Khi đi tân binh đứa nào có đồ ăn cũng chia nhau. Ăn một cái kẹo cũng cắn chia ra. Uống một ly cà phê, một chai nước, một gói mì cũng chia nhau.
Hồi tối em đang ngủ dưới phòng, tụi nó nấu mì xong chạy xuống kêu lên ăn. Giờ cứ đứa nào khỏe thì đi kiếm đồ ăn. Đứa nào ngủ quên thì gọi dậy".
Ra đảo tự nhiên có người thân
Rất nhiều chiến sĩ làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa luôn nói ở nơi xa xôi, khắc nghiệt này, điều họ thích nhất, thương nhất là sự đoàn kết, tình cảm đồng đội gắn bó, thân thiết như anh em một nhà.
Mới lên đảo chỉ nửa ngày nhưng binh nhất Nguyễn Khánh An (19 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) đã cảm nhận rõ điều đó. Dù đã lên đến đảo, anh chàng vẫn chưa hồi phục sức khỏe do say sóng. Mấy bạn chiến sĩ mang sữa ra mời, nhiệt tình giục uống hoài nhưng Khánh An không dám uống, sợ lại ói.
Cậu lính mới đến từ TP.HCM ngạc nhiên bảo: "Ra đảo tự nhiên mình lại có người thân. Mấy anh lính cũ đón tiếp mình nồng nhiệt như quen biết từ lâu".
"Ở đây anh em mỗi người một vùng miền, tính cách cũng khác nhau nhưng tôn trọng nhau, đoàn kết, thân mật như gia đình", binh nhất Huỳnh Thế Kỷ (25 tuổi, huyện Cần Giờ, TP.HCM), đang làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây, nói.
Kỷ nói trong đất liền công chuyện ai nấy làm. Ngoài này việc gì cũng làm cùng nhau, không phân biệt này nọ. Anh chàng mỉm cười bảo những năm tháng quân ngũ của mình rất đáng nhớ và trở nên tươi đẹp là vì có các đồng đội quý mến, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.
Chỉ sau một tháng ra đảo, trung sĩ Huỳnh Thanh Hoàng (21 tuổi, nhân viên rađa trên đảo Sơn Ca) đã nhớ hết tên mọi người.
Anh tự hào nói: "Tụi mình sống như anh em trong nhà, giúp đỡ nhau, cùng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Thấy đồng đội làm gì mà khó khăn thì xúm vô giúp. Chẳng hạn thấy bạn cuốc đất chậm nhào vô cuốc giúp cho nhanh".
Ngoài đảo, xa gia đình, xa bố mẹ, thế nên những lúc ốm đau, vui buồn, đồng đội là người chăm sóc, an ủi. Tình bạn của binh nhất Huỳnh Lê Công Vĩnh (23 tuổi, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) và Phạm Hoàng Phúc (20 tuổi, quê Khánh Hòa) bắt đầu từ lúc Vĩnh bị thủy đậu.
Suốt nửa tháng ròng, Phúc là người mang cơm đến tận giường cho Vĩnh ăn.
Nửa tháng sau, khi Vĩnh hết bệnh cũng là lúc tình bạn giữa hai chàng trai trở nên thắm thiết. Họ trở thành một cặp bài trùng còn vì chung đam mê với âm nhạc. Vĩnh có khả năng sáng tác nhạc. Viết xong bài nào, Vĩnh lại rủ bạn Hoàng Phúc tập ngay rồi hát cho đồng đội nghe.
Các chiến sĩ có sinh nhật trong tháng 3 được tổ chức ở đảo Nam Yết, bánh sinh nhật làm bằng rau câu trang trí hoa giấy - Ảnh: MY LĂNG
Các chiến sĩ có sinh nhật trong tháng 3 được tổ chức ở đảo Nam Yết, bánh sinh nhật làm bằng rau câu trang trí hoa giấy - Ảnh: MY LĂNG
Góp tiền làm sinh nhật cho đồng đội
Ở quần đảo xa xôi này, mỗi khi đồng đội đến sinh nhật, không chỉ phân đội tổ chức (theo ngày sinh) mà cụm rồi đảo cũng tổ chức (theo quý). Dù thiếu thốn nhưng những người lính vẫn cố gắng chuẩn bị, dành bất ngờ cho đồng đội.
"Mỗi lần đảo tổ chức sinh nhật đồng đội, vui lắm. Tụi mình chuẩn bị tiết mục văn nghệ từ mấy ngày trước để diễn", trung sĩ Huỳnh Thanh Hoàng nói. Ai có năng khiếu gì thì làm đó: hát, nhảy, múa, đánh đàn, thổi sáo. Không có bánh kem, không có nến.
Tiệc sinh nhật ngoài đảo chỉ có bánh kẹo, nước ngọt, còn bánh sinh nhật thì làm từ rau câu nhưng chiến sĩ vui "động trời". "Tụi mình ngồi từng bàn, quay lên sân khấu, y chang đi ăn tiệc", Hoàng bảo.
"Hồi ở nhà, sinh nhật thì có người yêu tổ chức cho. Ra ngoài này không ngờ lại có đồng đội. Mình không nghĩ mấy ảnh biết. Ai dè mấy ảnh ghi trong sổ, tới ngày bí mật tổ chức cho mình bất ngờ. Mọi người bí mật làm rau câu, nấu chè, mua nước ngọt... tổ chức sinh nhật cho mình", binh nhất Huỳnh Thế Kỷ nói về sinh nhật tuổi 25 của mình.
Nơi xa xôi có tiền cũng chẳng thể mua được món quà như ý tặng, chiến sĩ tận dụng những thứ có sẵn ngoài đảo để làm quà. Người thì nhặt vỏ ốc tai tượng làm đèn ngủ. Người thì hì hụi làm cây hoa ốc. Có người lấy vỏ đạn làm trái tim.
"Ở đây thiếu thốn nhưng bọn mình vẫn cố gắng tạo bất ngờ cho đồng đội. Quà tự làm thô sơ nhưng chủ yếu là tấm lòng nên ai cũng vui", binh nhất Nguyễn Văn Tuấn trải lòng.
"Chúng tôi đây là những người lính trẻ. Rời xa mảnh đất quê hương ai không thương cha, nhớ mẹ. Nhưng chúng tôi vẫn vui tươi, vẫn cười vẫn hát mỗi ngày...".
Kỳ tới: Nhạc lính Trường Sa
Theo MY LĂNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm