Tuổi trẻ và những công trình dân sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên 250 đoàn viên thanh niên huyện Kbang đã góp công làm nên 2 cây cầu bắc qua sông Ba ở 2 làng Kon Lăch II và Kon Bông II của xã Đak Rong, huyện Kbang chỉ trong vòng ba ngày.

Cách trung tâm huyện gần 100 km, đường vào 2 làng Kon Lăch II và Kon Bông II xuyên qua những cánh rừng. Hơn 100 chiếc xe máy của thanh niên giống một đoàn “phượt” khi phải vượt qua những đoạn gồ ghề, qua những đoạn đường thẳng tắp, mát rượi bởi những tán lá rừng. Cái nắng gắt giữa mùa khô Tây Nguyên dường như không chạm đến đoàn quân tuổi trẻ đang hừng hực khí thế.

Làm cầu giúp dân

Chưa ráo mồ hôi sau đoạn đường dài, 250 đoàn viên thanh niên đã nhanh chóng chia làm hai đội, một ở lại Kon Bông II, một sang Kon Lăch II. Nguyên vật liệu để làm cầu đã được chuẩn bị từ trước với sắt thép, ván lót sàn, trụ cầu… mọi người chỉ phân công nhau từng việc cụ thể. Bờ sông nào có sẵn cây cổ thụ sẽ được trưng dụng để làm trụ cầu thay vì phải chôn trụ mới. Đây không còn là công việc mới mẻ bởi trước đó, tuổi trẻ trong huyện đã làm 3 cây cầu dây bắc qua sông La Bà, giúp trên 70 hộ dân ở hai làng Tung và làng Guk, xã Krong thuận tiện hơn trong cuộc mưu sinh.

Làm tường rào bảo vệ vườn cây tại khu vực Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: H.N
Làm tường rào bảo vệ vườn cây tại khu vực Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: H.N

Khác hẳn với sự ồn ào lúc đi trên đường, việc làm cầu khá yên lặng, chỉ có tiếng nện thình thịch, tiếng búa gõ và những tiếng trao đổi giữa các nhóm. Hơi nước mát lạnh từ sông Ba cộng với những cơn gió từ đại ngàn trùng điệp dọc bờ sông vẫn không ngăn được những giọt mồ hôi ướt đẫm màu áo xanh. Người dân ở các làng ban đầu thấy thanh niên dỡ bỏ cây cầu cũ kỹ đã làm từ hơn 10 năm với bao hiểm nguy rình rập mỗi khi qua cầu, tỏ vẻ không bằng lòng. Nhưng khi khung cầu mới vừa được dựng lên, mọi người mới vỡ òa sung sướng.

Không ai bảo ai, dân làng kéo tới giúp thanh niên. Anh Đinh Văn Nơ-Bí thư Đoàn xã Đak Rong cho biết: Trước đây, chỉ cần một hai trận mưa lớn là nước sông Ba dâng lên nhanh, nhiều học sinh không dám qua sông đi học vì nước chạm mép cầu. Thanh niên thường phải phân công nhau đưa các em qua sông. Vào mùa mưa thì việc qua sông càng khó khăn, thậm chí không thể vì nước sông dâng lên, chảy cuồn cuộn, nuốt luôn cầu cũ. Người dân không dám qua để đi làm.

Hai cây cầu mới vừa làm xong, một có chiều dài 50 mét, một dài 35 mét, làm theo dạng cầu dây, rộng trên dưới 1 mét, tải trọng 500 kg, giúp gần 100 hộ dân ở hai làng Kon Lăch II và Kon Bông II thuận tiện hơn rất nhiều trong việc đi lại. Nhất là học sinh không còn cảnh nghỉ học vào mùa mưa. Anh Bùi Tiến Phương-Bí thư Huyện đoàn cho hay: “Trên 100 triệu đồng tiền nguyên vật liệu là nguồn kinh phí của huyện, chúng tôi huy động thanh niên đóng góp ngày công. Đây vừa thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng, vừa là quyết tâm hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới”.

Những công trình dân sinh

Cầu mới nối 2 làng Kon Lăch II và Kon Bông II. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cầu mới nối 2 làng Kon Lăch II và Kon Bông II. Ảnh: Hoàng Ngọc

Để kịp hoàn thành công trình thanh niên chào mừng 81 năm Ngày thành lập Đoàn (26-3), tuổi trẻ Kbang bắt tay làm hàng rào bảo vệ vườn cây rộng trên 5 ha tại khu vực Nhà lưu niệm Anh hùng Núp-làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung. Vườn cây gồm trên 300 cây sanh, si, trắc, huỳnh đàn do đoàn viên thanh niên trồng cuối năm 2011 là công trình mang ý nghĩa “Đời đời nhớ ơn Bác”.

Mỗi công trình tuổi trẻ Kbang thực hiện đều có tầm vóc và để lại dấu ấn. Bốn ngôi “Nhà nhân ái” mà tuổi trẻ thực hiện trong năm 2011 đều là những ngôi nhà mơ ước của nhiều thanh niên. “Mỗi khi được cấp kinh phí, lập tức huy động được thanh niên”-đó là khẳng định của Bí thư Huyện đoàn. Anh kể, mỗi lần làm nhà nhân ái, Huyện đoàn huy động được hàng trăm thanh niên góp công sức, từ việc xẻ gỗ, đào móng, san nền đến xây tường, lợp mái… “Đợt làm nhà nhân ái cho Đinh Đối ở xã Lơ Ku, không chỉ huy động được thanh niên, chúng tôi còn xin gỗ của lâm trường để bớt chi phí cho gia đình. Ngôi nhà do Ủy ban MTTQ tỉnh cấp 35 triệu đồng nhưng tính giá trị sau khi hoàn thành gần 160 triệu đồng”.

Anh Bùi Tiến Phương chia sẻ những dự định: “Sắp tới, tuổi trẻ trong huyện tiếp tục làm đập tràn ở xã Kon Pne giúp người dân đi lại thuận tiện và có nguồn nước phục vụ nông nghiệp. Đoàn xã Nghĩa An sẽ trồng 300 cây mít tại di tích lịch sử “Cánh đồng Cô Hầu… Và nếu được chính quyền hỗ trợ kinh phí để mua nguyên vật liệu, chúng tôi sẽ tiếp tục làm cầu giúp dân để không làng nào còn chịu cảnh cô lập mỗi khi mùa mưa đến”.  

Những kế hoạch ấy sẽ sớm thành hiện thực. Với những công trình đã và đang làm đã minh chứng cho sự đoàn kết của tuổi trẻ Kbang, đó chính là sức mạnh làm nên những điều tưởng không thể…

Hoàng Ngọc
 

Có thể bạn quan tâm