Tương lai địa phương là trách nhiệm của đại biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Vì thế, một địa phương muốn phát triển vững mạnh thì tất yếu phải có một HĐND trong sạch, vững mạnh mà ở đó, mỗi đại biểu cần phải có bản lĩnh và hành động theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân, có trách nhiệm với dân.

Ai cũng có quyền tự hào, vui sướng khi mình được giao trọng trách nào đó, nhưng điều quan trọng hơn là làm được những việc ích nước, lợi dân. Trở thành đại biểu trước hết là vinh dự to lớn, niềm tự hào và cả quyền lợi đối với mỗi cá nhân. Thế nhưng không có niềm vinh dự, sự tự hào và quyền lợi nào lại không đi kèm với trách nhiệm. Vinh dự, tự hào, quyền lợi càng cao thì tất nhiên, trách nhiệm càng phải lớn. Đối với đại biểu (Quốc hội, HĐND các cấp) trách nhiệm không chỉ hôm nay mà còn với non sông, đất nước mai sau. Một quyết định đúng sẽ vực dậy địa phương và có thể lan tỏa cả một quốc gia và ngược lại, một quyết định sai có thể đẩy địa phương, đất nước đến suy vong.

 

Pa-nô tuyên truyền về cuộc bầu cử. Ảnh: Thanh Nhật

Trong khi rất nhiều đại biểu những nhiệm kỳ qua đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì vẫn không ít đại biểu tranh thủ tận dụng những năm tháng làm đại biểu như thế nào cho hài hòa chứ không mang bầu nhiệt huyết vì dân, vì nước. Khi đã tính toán lợi ích cá nhân, đã không vì nước, vì dân thì tất yếu, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích đất nước, lợi ích địa phương cho lợi ích cá nhân của mình. Tình trạng không ít đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu, chất vấn là một điều đáng lo ngại. Do đó, cần có thiết chế bầu cử chuẩn xác, giới thiệu được những người thật sự vì nước, vì dân và phải có dũng khí, bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ đứng vào đội ngũ đại biểu để bảo vệ lợi ích chung của địa phương và đất nước. Cách đây chưa lâu, phát biểu bế mạc Đại hội lần thứ XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với nhân dân rằng tập thể lãnh đạo Đảng khóa XII sẽ là tập thể lãnh đạo gần dân, trọng dân, vì dân. “Xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”. Và trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Yếu tố trọng dân, vì dan, bám sát thực tiễn” đã được thể hiện rõ nét trong quyết sách của Quốc hội. Mỗi phát biểu của đại biểu đều xuất phát từ đời sống thường nhật, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Cũng có ý kiến cho rằng, cơ cấu là cần thiết nhưng chất lượng đại biểu mới là quan trọng. Không chỉ vì đủ cơ cấu mà để “lọt”  những đại biểu đi họp cả khóa nhưng “không có tiếng nói nào”. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có nhiều ý kiến liên quan đến dự kiến cơ cấu, thành phần, so lượng bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đa số ý kiến đó là: Phải lựa chọn những đại biểu đạt tiêu chuẩn, vì nhiều đại biểu được bầu cho đủ cơ cấu, số lượng nhưng không có đóng góp gì cho Quốc hội, làm cho Quốc hội yếu đi.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao có những đại biểu lại “mắc bệnh im lặng” trong các kỳ họp, diễn đàn tại nghị trường như vậy? Xin mạnh dạn trao đổi mấy nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, hoàn toàn có thể là do năng lực kém, không đủ trình độ để hệ thống, xử lý những vấn đề dân thắc mắc, khiếu nại hay tố cáo. Đứng trước dân mà chỉ nói câu “xin ghi nhận ý kiến của cử tri” không trả lời được những vấn đề dân hỏi, dân cần tư vấn, phân xử….

Thứ hai, là không ít đại biểu của ta mắc “bệnh lười”, không nghiên cứu, học tập, cập nhật thông tin,... Những người thuộc dạng này rất sợ khó, ngại khổ nhưng bù lại, thường rất giỏi đùn đẩy cho nhau, ỷ lại vào cấp trên, cấp dưới. Họ biết việc trả lời cho dân là mất rất nhiều thời gian, công sức, đặc biệt là đối với những đơn thư tố cáo, khiếu kiện dày cộp hồ sơ luôn cần được thẩm tra, xác minh kỹ càng ở nhiều ban bệ, nhiều phòng chức năng mới có thể đưa ra được những kết luận để dân “tâm phục, khẩu phục”.

Thứ ba, có thể có một số đại biểu thấy việc tiếp xúc cử tri và họp không có “bổng lộc”, tức là không có phong bì nên sinh ra cẩu thả, không ghi chép đầy đủ nội dung họp hành, tiếp dân, rồi đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Thứ tư, không thể không nhắc đến, là chế tài để xử lý những đại biểu là cán bộ, công chức và thành viên các tổ chức chính trị-xã hội cả nhiệm kỳ không có một ý kiến đóng góp cho hoạt động của tổ chức cụ thể, rõ ràng nên cuối cùng dù có bị nhắc nhở thì cũng “hòa cả làng”. Hậu quả là dẫn đến có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại vượt cấp. Điều này vừa làm mất ổn định xã hội, lại vừa mất niềm tin của người dân tại địa phương.

Việc đại biểu cả nhiệm kỳ không có một ý kiến đóng góp, chất vấn chỉ có thể là bởi năng lực kém, bản tính lười biếng,... Tất nhiên, những đại biểu là cán bộ, đảng viên, công chức-viên chức mà có những tư tưởng trên thì không thể chấp nhận. Đại biểu muốn được dân trọng, dân yêu thì phải có tài, có đức, phải hết lòng hết sức vì sự nghiệp chung, làm được nhiều việc có ích cho dân, cho địa phương và cho đất nước.

Ama Săk