Pháp luật

Tin tức

TX An Khê: Những cánh rừng non bị khai tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng này đang diễn ra tại vùng rừng giáp ranh Bình Định-Gia Lai. Hơn 12 ha rừng mới chỉ 6 tháng tuổi do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) vừa trồng trong niên vụ trồng rừng năm 2010 đã bị “khai tử” do nhiều hộ dân thuộc các xã Cửu An, Tú An và Xuân An (thị xã An Khê) chặt phá, bơm thuốc khai hoang để lấy đất sản xuất.

Báo Gia Lai điện tử ngày 27-12-2010 có bài “Vụ lấn chiếm đất rừng giáp ranh  Bình Định-Gia Lai: Cơ quan chức năng vào cuộc” nói về vụ việc lấn chiếm đất rừng thuộc vùng giáp ranh giữa Bình Định-Gia Lai tại địa bàn do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Bình Định) quản lý của nhiều hộ dân thuộc các xã Cửu An, Tú An và Xuân An (thị xã An Khê) đã diễn ra từ nhiều năm trước. Do các cấp, các ngành chức năng của hai tỉnh không kịp thời can thiệp, giải quyết rốt ráo nên tình trạng cứ liên tục tiếp diễn. Thậm chí, những cư dân của thị xã An Khê lấn chiếm đất của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã có hành vi manh động, bất chấp sự can thiệp của chính quyền địa phương và ngành chức năng.
Để ngăn chặn tình trạng này, vào ngày 23-12-2010, các cấp, các ngành chức năng của hai tỉnh đã có cuộc họp (tại UBND thị xã An Khê) để đánh giá lại tình hình. Tại cuộc họp này, các cấp, các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã khẳng định việc lấn chiếm đất rừng thuộc lâm phần do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Bình Định) quản lý của nhiều hộ dân ở thị xã An Khê là trái pháp luật và cam kết sẽ có hướng xử lý.

Diện tích 12,02 ha rừng mới trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã bị phá để trồng mì. Ảnh: Đ.L
Tuy nhiên, sau cuộc họp trên chẳng bao lâu, những hộ dân thuộc 3 xã Cửu An, Xuân An và Tú An lại tiếp tục lấn chiếm để giành đất sản xuất bằng cách chặt phá, bơm thuốc khai hoang làm cho những diện tích rừng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn vừa trồng, đang phát triển mơn mởn chết sạch.

Ông Võ Văn Cường-Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, thở dài:  “Sau cuộc họp giữa các ban ngành liên quan của hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, UBND tỉnh Bình Định đã có Công văn số 62 ngày 10-1-2011 và UBND thị xã An Khê có Công văn số 35 ngày 24-1-2011, thống nhất giải quyết vụ việc lấn chiếm đất rừng thuộc địa bàn do Công ty quản lý của nhiều hộ dân 3 xã Cửu An, Xuân An và Tú An thuộc thị xã An Khê xảy ra những năm trước đây. Trước đó, các cấp, các ngành chức năng của thị xã An Khê đã có cuộc điều tra và kết luận: Tại vùng rừng giáp ranh giữa Bình Định với xã Xuân An (thị xã An Khê) có 31 hộ vi phạm lấn chiếm 38,38 ha đất rừng của Bình Định; trong đó đã có 20,67 ha đất đã được trồng mì và 17,71 ha đất đã dọn thực bì chuẩn bị trồng. Tại vùng rừng giáp ranh giữa Bình Định với xã Tú An (thị xã An Khê) chỉ có 1 hộ dân (ông Đinh Grao) lấn chiếm 0,63 ha đang được trồng mì”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, đó là những “nhức nhối” đã xảy ra trước đây còn tồn tại, do chưa được các cấp, các ngành chức năng giải quyết rốt ráo. Bức xúc nhất là vụ việc xảy ra mới đây, ngay sau khi hai địa phương ban hành những văn bản nêu giải pháp cụ thể để giải quyết vụ việc cũ. Ông Cường nói tiếp: “Trong niên vụ trồng rừng năm 2010, Công ty chúng tôi trồng 14,42 ha rừng sản xuất tại tiểu khu 226 thuộc địa bàn xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh-Bình Định), vùng rừng giáp ranh với xã Cửu An, trong đó có 6,42 ha keo lai và 8 ha bạch đàn. Trồng xong, nhiều hộ dân thuộc xã Cửu An tràn sang phá. 12,02 ha rừng mới trồng bị “khai tử”, trong đó có 4,22 ha keo lai và 7,8 ha bạch đàn. Mục đích của họ là phá để giành đất sản xuất, trong khi chính quyền địa phương quản lý những hộ dân nói trên khẳng định là không có ai thiếu đất sản xuất”.

Điều đáng quan ngại là sự việc phá rừng nói trên diễn ra  trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương cùng với ngành chức năng tỉnh Gia Lai và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn nhưng mọi nỗ lực ngăn chặn đều bất lực trước sự manh động của những đối tượng phá rừng. Anh Trần Văn Hào-nhân viên Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Hòn Chò thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn phụ trách địa bàn xã Vĩnh Thuận, cho biết: “Ngay sau khi phát hiện hành động phá phách của những người dân ở xã Cửu An, chúng tôi cấp báo cho chính quyền và ngành chức năng thuộc xã Cửu An, họ kịp thời có mặt nhưng không thể ngăn chặn được sự hung hãn của nhiều người dân. Số lượng người tham gia thì không thể tính được vì họ làm lén lút, từng đợt”. Ông Võ Hồng Nguyên- Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng Công ty TNHH Sông Kôn, tính toán: “Chỉ tính riêng đợt phá mới đây, Công ty chúng tôi đã bị thiệt hại gần 100 triệu đồng, đó là chưa kể thiệt hại do những đợt phá trước đây trên diện tích hơn 41 ha lên đến hơn 600 triệu đồng. Tuy nhiên, thiệt hại về lâu dài là không biết đến khi nào chúng tôi mới trồng lại được những diện tích rừng nói trên nếu họ vẫn cứ tiếp tục phá”.

Vũ Đình Thung- Đăng Lâm

Có thể bạn quan tâm