Không biết vì sao, con dốc dựng đứng trên quốc lộ 19 (xã An Thành, huyện Đak Pơ, Gia Lai) có tên là dốc Đói? Nhiều người cho rằng, nơi này khô cằn sỏi đá không thể trồng được cây gì. Cũng có người cho rằng, tại nó cao quá, đi lên hết con dốc là cảm thấy đói… Mà thôi, đừng hỏi vì sao, tôi chỉ biết rằng dưới chân dốc Đói có lão nông tỷ phú, mọi người thường gọi ông là Tư Mía.
Tư Mía tên thật là Hồ Văn Đức, sinh ra và lớn lên tại đất võ Tây Sơn-Bình Định. Ông lên lập nghiệp và gắn bó với cây mía tại đây từ năm 1994, qua bao năm khốn đốn, giờ đã trở thành tỷ phú chân đất của huyện Đak Pơ.
Tư Mía tên thật là Hồ Văn Đức, sinh ra và lớn lên tại đất võ Tây Sơn-Bình Định. Ông lên lập nghiệp và gắn bó với cây mía tại đây từ năm 1994, qua bao năm khốn đốn, giờ đã trở thành tỷ phú chân đất của huyện Đak Pơ.
Duyên mía
Ngày ở quê, chỉ với 3 sào đất, Tư Mía dành trọn 2 sào để trồng mía. Nhưng ngày đó, loại cây này cũng lận đận như đời người nông dân. Để có tiền trang trải, Tư Mía phải vay mượn hơn 1 cây vàng để mua máy ép thủ công và mua mía về làm đường đen rồi bán lại cho các nhà máy. Quần quật quanh năm cũng không thể nào trả hết nợ, làm liều ông gom tất cả tài sản rồi dắt díu gia đình lên Gia Lai thuê người phát được gần 2 ha rẫy. Ban đầu, cũng chỉ định trồng bắp, mì, đậu xanh để lo cái ăn, nhưng được một thời gian, như định mệnh ông lại quay trở về với cây mía.
Đến năm 1999, dù đã có trong tay 16 ha nhưng ông vẫn… trắng tay. Thế là hết vụ mía, ông lại chạy về quê làm ruộng. “Cũng may thời đó còn có mấy sào ruộng lúa ở quê và vợ (chị Trần Thị Dung) chạy chợ buôn bán nên cũng đủ cái ăn. Bấy giờ giá mía xuống thấp quá, năng suất không cao, trồng nhiều càng thua lỗ. Có năm đem mía về chất thành đống ở chân ruộng mặc nắng mưa…” ông tâm sự. Không chịu buông xuôi, những vụ sau, ông tìm các giống mía vừa có năng suất cao, lại phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu quyết tâm đầu tư trở lại. Trời không phụ lòng người, những năm sau đó, vùng mía của ông cho năng suất cao, cùng với giá cả ổn định, cuộc sống của gia đình Tư Mía bắt đầu thay đổi. Có được ít vốn, ông dồn tất cả để mua thêm đất trồng mía. Ông cho biết: “Dường như cây mía kết duyên với mình quá sâu đậm, nên không thể nào bỏ được. Qua bao năm khốn đốn, bây giờ cây mía đã làm thay đổi cuộc sống gia đình tôi…”.
Tỷ phú Tư Mía bên chiếc ô tô mới. Ảnh: L.A |
Trả ơn đời
Với cơ nghiệp tạo được, Tư Mía được liệt vào dạng “đại gia” chân đất của Đak Pơ. Nhìn nước da đen cháy, khuôn mặt khắc khổ, nếu không ngồi trên chiếc Lacetti cáu cạnh ông vừa mua hơn 350 triệu đồng, chắc không ai biết ông là tỷ phú. Trải nghiệm cuộc đời sau bao năm khốn khó, ông nghiệm ra chân lý đời mình: “Với người nông dân, vắt kiệt mồ hôi trên đồng đất cũng chỉ mong đủ ăn, ai được may mắn thành công thì đó là lộc trời mang lại…”.
Nghĩ vậy nên ông sẵn sàng dang tay giúp đỡ mọi người, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng. Ông còn cho 80 hộ dân làng Buk, xã An Thành vay tiền không tính lãi để mua xe, làm nhà, mua phân bón, rồi hướng dẫn kỹ thuật để bà con biết canh tác giống mía mới cho năng suất cao hơn. Cuối vụ, Tư Mía còn đứng ra mua mía cho bà con nông dân theo giá của nhà máy. Ông cho biết: “Cuộc sống của người địa phương nơi đây còn nhiều vất vả, nên mình giúp đỡ họ. Vì với diện tích mía ít sẽ khó tiêu thụ, nên tôi gom của bà con lại để bán giùm. Ngày trước tôi cũng vậy, nếu không có mọi người chắc gì tôi có ngày hôm nay…”. Với người dân địa phương, ông luôn là người có uy tín được bà con tôn trọng.
Hạnh phúc của Tư Mía không chỉ là những vụ mùa thành công, mà như lời ông nói, đó là sự thành đạt của con cái. “Ngày trước khó khăn là vậy, nhưng ba đứa con tôi đều được học hành đầy đủ. Thằng con trai lớn giờ làm ở Công an huyện Đak Pơ, cô con gái thứ hai bước vào năm cuối Đại học Dược, con trai út lại sắp bước vào đại học…”. Ông cười rạng rỡ khi nói về những người con ngoan của mình.
Lê Anh