Kinh tế

Ứng dụng công nghệ vệ sinh "nóng" đường dây 500 kV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Truyền tải điện Gia Lai vừa ứng dụng thành công công nghệ vệ sinh hotline bằng tia nước cách điện áp lực cao (vệ sinh khi đường dây vẫn hoạt động trên lưới điện 220 kV và 500 kV khu vực huyện Chư Pah). Với công nghệ này, công nhân ngành điện có thể vệ sinh đường dây cao áp mà không phải cắt điện, vẫn đảm bảo an toàn cho người làm việc.

Trước đây, mỗi khi đường dây bị nhiễm bẩn, ngành điện phải tính toán lựa chọn phương án cắt điện vào khung thời gian phụ tải thấp để công nhân leo lên các cột điện vệ sinh từng bát sứ, trụ sứ. Những công đoạn này được làm hoàn toàn bằng phương thức thủ công, mất rất nhiều thời gian và không an toàn cho người lao động.
 

Trạm 500 kV Pleiku. Ảnh: T.V.H

Trong quá trình vệ sinh, công nhân phải đem theo từng chai nước và dẻ lau, trực tiếp leo vắt vẻo lên trụ điện cao từ 32 đến 50 mét để lau chùi từng bát sứ. Mỗi đợt vệ sinh kéo dài nhiều ngày nên ngành Điện phải huy động rất nhiều nhân lực thực hiện. Làm việc ở trên cao, gió lạnh cộng với áp lực về thời gian cắt điện, yêu cầu người lao động phải làm việc thật nhanh nên ít nhiều ảnh hưởng đến an toàn lao động.  

Hiện nay, với công nghệ vệ sinh hotline, công nhân có thể làm vệ sinh trực tiếp trên đường dây mà không phải cắt điện. Họ chỉ leo lên trụ điện, sử dụng vòi nước với áp lực cao chứa trong xe bồn phun thẳng lên sứ cách điện, lần lượt làm sạch mọi ngõ ngách của trụ điện, bát sứ.

Với công nghệ này, ngoài 4 chỉ tiêu phải đảm bảo an toàn cho con người như dòng điện rò rỉ, điện áp cao, điện từ trường và làm việc trên cao, nguồn nước dùng để vệ sinh lưới điện phải được khử ion bằng công nghệ mới để nước không còn khả năng dẫn điện.

Nước cách điện được chứa trong bồn sạch bằng nhựa hoặc inox với một lượng vừa đủ vệ sinh trong ngày cho một nhóm công tác. Trên bồn nước có gắn thiết bị giám sát online cách điện của nước. Bồn nước này được bố trí cùng với thiết bị động lực và hệ thống xử lý nước trên một xe tải để tiện cơ động.
 

 

Công nhân chỉ cần leo lên trụ điện, gần vị trí bát sứ, cầm theo vòi nước phun, xịt vào từng điểm bị nhiễm bẩn. Nước được bắn lên theo vòi nước với áp lực cao 70-100 kg/cm2 rửa sạch bụi bẩn trong khoảng thời gian từ 15 đến 30 giây. Theo tính toán, nếu như trước kia muốn làm vệ sinh 1 cột đỡ có 4 chuỗi cách điện, 2 công nhân làm việc phải mất 2 đến 3 giờ với chi phí khoảng 693.000 đồng/cột; nay chỉ mất 20 phút (kể cả thời gian bố trí thiết bị và vận hành) với tổng kinh phí khoảng 291.000 đồng/cột. Phương pháp hotline tiết giảm được 58% chi phí so với phương pháp vệ sinh thủ công kiểu cũ. Điều quan trọng là vẫn đảm bảo vận hành lưu thông dòng điện mà không phải cắt điện như trước. Nhờ vậy, việc truyền tải điện được đảm bảo an toàn, liên tục và hiệu quả hơn.

Ông Đinh Văn Cường-Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai cho biết: Chi phí đầu tư cho một hệ thống vệ sinh hotline khoảng 500 triệu đồng. Trong bối cảnh hiện nay, ngành điện phải ra sức nâng cao hiệu quả quản trị, năng suất lao động, cũng như giảm tổn thất điện năng thì việc nghiên cứu, nhân rộng, áp dụng đại trà công nghệ vệ sinh đường dây “nóng” như thế này trên toàn bộ lưới điện Việt Nam là việc làm hết sức cần thiết, đem lại hiệu quả kinh tế to lớn và thiết thực.

Trịnh Văn Hải

Có thể bạn quan tâm