Kinh tế

Ươm cây giống trong nhà lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mô hình trồng rau, hoa, quả trong nhà lồng được nhiều người dân áp dụng thành công nhiều năm nay nhưng làm vườn ươm trong nhà lồng thì rất ít nông dân áp dụng vì chi phí đầu tư cao và rủi ro lớn. Trong chuyến công tác tại xã Tân An, huyện Đak Pơ, chúng tôi ghé thăm mô hình ươm cây giống trong nhà lồng của ông Nguyễn Văn Hưng tại thôn Tân Sơn, mô hình duy nhất trên địa bàn huyện Đak Pơ đến thời điểm này. Theo đánh giá của những người sản xuất xung quanh, đây là vườn ươm cây giống chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhà lồng được đầu tư bài bản, kiên cố vững chắc, hệ thống tưới rộng khắp giúp cho việc ươm cây giống cung cấp cho thị trường quanh năm. Ông Hưng cho biết: “Thôn Tân Sơn là vùng sản xuất rau đầu tiên của khu vực Đông Trường Sơn, nhưng có rất ít cơ sở ươm giống có chất lượng cho người trồng rau. Nhận thấy nhu cầu của người dân, năm 2011, gia đình tôi đầu tư vườn ươm cung cấp giống cho người dân ở khu vực và các địa phương khác”.
 

Ảnh: Anh Khoa
Ảnh: Anh Khoa

Theo quan sát của chúng tôi, vườn ươm ông Hưng có các loại giống như: bầu, bí, đu đủ, cà chua, cây ăn trái... và đặc biệt là ớt giống. “Nhu cầu ớt giống mùa này rất lớn, không chỉ cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh mà còn ươm theo đơn đặt hàng của các tổ chức, cá nhân ở Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hòa”-ông Hưng cho biết thêm. Trước đây ông Hưng làm cho một công ty nước ngoài về sản xuất giống. Năm 2006, ông về quê ở thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ mua đất làm vườn trồng rau màu cùng gia đình. Mãi đến năm 2011, có đất, có ít vốn, ông mới thực hiện được ước mơ làm nhà lồng để ươm cây giống. Ông chia sẻ: Khoảng thời gian làm công cho công ty sản xuất giống hoa màu công nghệ cao tôi đã tích lũy được chút ít kinh nghiệm cùng với đi tham quan, học hỏi thực tế ở nhiều nơi nên khi bắt tay vào ươm cây giống không gặp trở ngại nhiều.

Với phương châm “vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm” vợ chồng ông Hưng đã ươm thử nghiệm vài ngàn cây giống bầu, bí. Lúc đầu do có kinh nghiệm về kỹ thuật chọn đất, làm đất, trộn phân, ươm giống, che chắn vườn và cách phòng, điều trị bệnh cho cây trồng nên tỷ lệ cây sống đạt khá cao. Nhờ cần cù, chịu khó và tinh thần ham học hỏi, ông đã nhanh chóng khắc phục được khó khăn và trở thành người có tay nghề giỏi, đến nay cây giống gia đình ông làm ra có sức sống tốt, đạt chất lượng và giá bán phải chăng nên ngày càng thu hút nhiều khách hàng. Để đáp ứng nhu cầu cây giống cho thị trường, hàng năm ông đã tăng số lượng bầu cây giống lên, bình quân mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường khoảng 10 triệu cây giống các loại. Theo kinh nghiệm của ông, bên cạnh việc chọn loại giống tốt để ươm thì đầu tư ban đầu cũng khá quan trọng để quyết định việc thành bại của ươm cây giống. Trước khi bắt đầu ươm giống nhà vườn phải ủ phân trước 6 tháng để cho các chế phẩm gây hại không còn, nếu phân không ủ trước hạt giống sẽ bị hư thối rữa ngay.

Sau những thành công ban đầu, đến nay ông tiếp tục mở rộng quy mô vườn ươm, đưa thêm một số loại cây trồng khác vào ươm giống và tạo được uy tín đối với các khách hàng đặt mua. Bình quân hàng năm xuất bán ra thị trường hàng triệu cây giống các loại, đã đem lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, tổng thu nhập sau khi trừ hết chi phí đầu tư còn thu lợi hàng tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động ở địa phương, với mức thu nhập 250.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày. Với thành công này, dự kiến thời gian tới ông tiếp tục mở rộng vườn ươm và đa dạng các sản phẩm theo nhu cầu của người dân và sản xuất rau an toàn theo công nghệ cao. Nhờ có hướng đi phù hợp, gia đình ông Hưng trở thành một trong những điển hình kinh tế giỏi của xã Tân An nói riêng và huyện Đak Pơ nói chung.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm