(GLO)- L.T.S: Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7), phóng viên Gia Lai online có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung nhân sự kiện này.
- Thưa ông, trong những năm qua, các chương trình chăm sóc người có công theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công đạt được những kết quả như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh MĂNG ĐUNG: Năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29-6-2005 và Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, từ đó công tác chăm sóc người có công đã được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung thăm vợ liệt sĩ ở xã Ia Me (huyện Chư Prông). Ảnh: Đ.Y |
Ở tỉnh ta, tiêu biểu có phong trào đền ơn đáp nghĩa và 5 chương trình trọng tâm của pháp lệnh. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã và đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức phong phú, như: phong trào ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm... Qua đó tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống. Việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa đã mang lại những thành quả bước đầu đáng phấn khởi; huy động được sức mạnh của toàn xã hội cùng Nhà nước chăm lo đối tượng người có công, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội.
5 chương trình trọng tâm của pháp lệnh cũng đã được thực hiện thường xuyên, đầy đủ và đạt được nhiều kết quả hơn. Gia Lai đang quản lý và thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho trên 65.000 đối tượng, trong đó 20.379 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh, nguồn kinh phí trích từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của các cấp đã thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng người có công.
Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng 899 ngôi nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 21,6 tỷ đồng; sửa chữa trên 7.628 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách người có công khó khăn về nhà ở, với số tiền trên 30 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân đã tặng 2.500 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, bình quân mỗi sổ tiết kiệm trị giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 10 tỷ đồng.
Với sự cố gắng của các ngành chức năng, sự hưởng ứng đầy trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập và hồi hương hàng ngàn liệt sĩ về các nghĩa trang liệt sĩ. Hàng chục tỷ đồng từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã được dùng để tu bổ, nâng cấp và xây dựng mới các công trình ghi công liệt sĩ ngày một khang trang, sạch đẹp nhằm thể hiện tấm lòng tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước. Toàn tỉnh có 13 nghĩa trang liệt sĩ với gần 12.000 mộ liệt sĩ, 6 đài tưởng niệm, 33 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 4 ngôi mộ chung. Đặc biệt, được sự quan tâm đầu tư của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ kinh phí cho tỉnh 50 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, mở rộng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ, gồm các hạng mục như: tháp chuông, nhà tưởng niệm các liệt sĩ, tượng đài liệt sĩ, các phần ô mộ, tượng đài và một số hạng mục khác đủ điều kiện an táng, tưởng niệm cho trên 4.000 ngôi mộ liệt sĩ và được khánh thành vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2012).
Hàng năm, nhân các ngày lễ, Tết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh và các ngành, các cấp đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách người có công trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức thiết thực và hiệu quả. Các đối tượng chính sách đều được các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội quan tâm giúp đỡ, ưu tiên vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm,... tổ chức cho đối tượng chính sách đi tham quan, điều dưỡng ngoài tỉnh. Các hoạt động phong trào chăm sóc thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được chỉ đạo và triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đem lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, tạo động lực to lớn thúc đẩy, động viên các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, ổn định và vươn lên phát triển kinh tế, xứng đáng là “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”.
- Để công tác chăm sóc người có công, nhất là thương-bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... đạt được kết quả mong muốn, theo ông thời gian tới, cần tập trung vào vấn đề trọng tâm nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung: Trong những năm tới, công tác chăm sóc người có công với cách mạng vẫn là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, trong thời gian tới tỉnh ta cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:
Quán triệt đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc người có công đến các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống đấu tranh cách mạng; thường xuyên xây dựng và củng cố phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo thành phong trào mang tính xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân; chương trình hành động cụ thể, nội dung thiết thực theo hướng xã hội hóa cao và phải đưa vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Tập trung giải quyết cơ bản xong các chính sách, chế độ được hưởng cho người có công. Ưu tiên giải quyết và giải quyết dứt điểm những khiếu nại thắc mắc của nhân dân liên quan đến chế độ chính sách của người có công; thường xuyên tổ chức kiểm tra các địa phương trong việc chi trả trợ cấp cho đối tượng; niêm yết công khai danh sách đối tượng được hưởng chính sách tại địa phương để nhân dân được biết và cùng giám sát.
Triển khai các hoạt động thiết thực thuộc các chương trình như: xóa đói giảm nghèo, vay vốn ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc y tế, giáo dục... liên quan đến các gia đình chính sách để không ngừng nâng cao mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống của dân cư nơi cư trú; phong trào ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ không chỉ dừng lại ở hình thức mà phải tạo được sự quan tâm tham gia tích cực của cả cộng đồng.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội trong cuộc vận động thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
- Xin cảm ơn ông!
Đinh Yến (thực hiện)