Kinh tế

Tài chính

Ưu tiên vốn lưu động lãi suất thấp cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mức vay 50-70 triệu đồng, lãi suất thấp mà không cần thế chấp tài sản, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Pleiku đã vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Với mặt bằng thuận lợi, mấy năm nay, bà Huỳnh Thị Ngọc Thìn (154 Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku) mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Bà Thìn cho biết: “Hoạt động kinh doanh tạp hóa luôn cần nguồn vốn lưu động để bổ sung hàng kịp thời. Cửa hàng trưng bày hàng hóa dồi dào bắt mắt, giá cả cạnh tranh thì mới giữ được lượng khách hàng lâu dài. Vì vậy, tôi chủ động vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách với mức lãi suất thấp, thời gian vay vốn phù hợp với khả năng”.

Đối với nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Pleiku, nhu cầu bổ sung vốn lưu động ngắn hạn từ vài chục triệu đồng đến 100 triệu đồng là phổ biến. Để giải bài toán về nguồn vốn nhỏ lưu động, đa phần hộ kinh doanh chủ động xoay xở vay mượn từ gia đình, bạn bè hoặc từ nơi khác. Nếu vay vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải có tài sản thế chấp.

Thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã gỡ khó về nguồn vốn lưu động cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là những hộ làm nghề mang tính truyền thống.

Anh Nguyễn Văn Quý (73/71 Nguyễn Thiếp, TP. Pleiku) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 29 năm theo nghề làm chổi đót. Hiện nay, gia đình tôi vừa thu mua đót, làm chổi, vừa bỏ sỉ cho các đầu mối. Khi mở rộng quy mô sản xuất thì cần có vốn nhưng điều kiện gia đình có hạn. Nếu vay thì phải có tài sản bảo đảm.

Việc Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tín chấp đến 100 triệu đồng, lãi suất 7,92%/năm (tương đương 0,66%/tháng) đã tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn hoạt động sản xuất của gia đình”.

Cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân cho vay tại địa bàn phường Diên Hồng, TP. Pleiku. Ảnh: S.C

Ông Nguyễn Triều Quang-Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh-thông tin: “Hiện nay, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm rất lớn nhưng nguồn vốn phân bổ có hạn nên không đủ đáp ứng. Đối với địa bàn TP. Pleiku, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm luôn được giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân, giúp các hộ gia đình vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh”.

Năm 2024, doanh số cho vay giải quyết việc làm toàn tỉnh đạt 512 tỷ đồng với 9.950 lượt hộ vay; tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 1.394 tỷ đồng/30.936 khách hàng.

Cũng theo ông Quang, riêng địa bàn TP. Pleiku, tính đến ngày 21-2, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay 24,6 tỷ đồng, bằng 123% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đã giải ngân, Chi nhánh ưu tiên nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, doanh số cho vay đạt 18 tỷ đồng/410 người lao động, hộ kinh doanh nhỏ lẻ được vay.

Về tổng thể, doanh số cho vay toàn tỉnh đạt 465 tỷ đồng (bằng 142% so với cùng kỳ năm 2024) với 7.940 khách hàng vay vốn. Trong đó, tập trung các chương trình tín dụng như cho vay giải quyết việc làm với 89 tỷ đồng/1.622 hộ vay; cho vay hộ nghèo 41,2 tỷ đồng/742 hộ vay; cho vay hộ cận nghèo 75,8 tỷ đồng/1.173 hộ vay… Tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 7.519 tỷ đồng, tăng 57,3 tỷ đồng so với đầu năm.

Có thể bạn quan tâm